Lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh đem lại dòng thu nhập ngoài tệ ròng đáng kể cho quốc gia. Doanh số qua chi tiêu của khách du lịch quốc tế tăng gần gấp đôi theo giá trị tuyệt đối từ năm 2013 đến năm 2017, tăng cả so với GDP của Việt Nam và tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, theo báo cáo Điểm lại do Ngân hàng Thế giới công bố gần đây.
Chi tiêu của người Việt Nam đi du lịch nước ngoài cũng tăng mạnh trong giai đoạn đó, nhưng kể cả sau khi hạch toán “nhập khẩu” du lịch, cán cân dịch vụ du lịch của Việt Nam vẫn dương, có nghĩa là du lịch liên tục đem lại dòng thu nhập từ nước ngoài vào Việt Nam. Hơn nữa, dịch vụ lữ hành là nguồn đóng góp lớn duy nhất về xuất khẩu dịch vụ của Việt Nam, chiếm khoảng 68% tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ năm 2017.
Bên cạnh chuyện khách du lịch chi tiêu mạnh trong nước, đóng góp trực tiếp của ngành du lịch về kinh tế và việc làm ở Việt Nam đã và đang tăng mạnh. Với mỗi đồng đô-la khách du lịch chi tiêu trực tiếp cho các hoạt động gắn với du lịch (đi lại, lưu trú và dịch vụ du lịch), một phần dành cho hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu (còn gọi là chi tiêu “rò rỉ”), có nghĩa là đóng góp trực tiếp vào GDP nhìn chung thấp hơn mức một ăn một.
Tại Việt Nam, hệ số chi tiêu rò rỉ chi tiêu ngành du lịch còn tương đối thấp - khoảng 0,27 xu trên mỗi đô-la so với mức bình quân là 0,47 xu ở khu vực Đông Nam Á29 - nghĩa là chi tiêu của tăng trưởng của khách du lịch trong thời gian qua có một tỷ lệ tương đối lớn được giữ lại cho nền kinh tế trong nước, giúp nâng đóng góp của ngành du lịch cho GDP từ 6% năm 2013 lên 7,9% năm 2017.
Hơn nữa, theo ước tính của Tổng cục Du lịch, ngành du lịch sử dụng trực tiếp 75.000 lao động trong năm 2017 (khoảng 1,4% tổng lao động ở Việt Nam), tăng so với khoảng 450.000 năm 2013.
Tuy nhiên, tác động lan tỏa của chi tiêu du lịch với tổng nền kinh tế ở Việt Nam còn thấp hơn so với mức bình quân trong khu vực và trên toàn cầu. Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) ước tính mỗi 1 đô-la khách du lịch chi tiêu ở Việt Nam được giữ lại ở nền kinh tế trong nước trong năm 2017 (nghĩa là không rò rỉ ra nước ngoài qua kênh nhập khẩu) tạo ra thêm 0,6 đô-la thu nhập cho phần còn lại của nền kinh tế thông qua (i) làm tăng cầu gián tiếp cho các ngành kinh tế khác thông qua kết nối ngược và xuôi với ngành du lịch, và (ii) làm tăng chi tiêu của người lao động có thu nhập từ các ngành được kết nối đó.
Hệ số lan tỏa GDP của ngành du lịch có giá trị là 1,6, tuy nhiên, vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia đang phát triển khác ở Đông Nam Á, với giá trị bình quân rơi vào khoảng 2,4 năm 2017, đồng thời thấp hơn so với mức bình quân toàn cầu của ngành du lịch là 3,3. Tương tự là tác động lan tỏa của chi tiêu du lịch đối với việc làm ở Việt Nam - bằng khoảng 1,7 so với mức bình quân lần lượt là 2,5 và 2,6 trong khu vực và trên toàn cầu.
Điều đó cho thấy nhu cầu cần tăng cường kết nối giữa ngành du lịch với các ngành còn lại của nền kinh tế Việt Nam, tạo điều kiện cho người lao động và doanh nghiệp ở các ngành khác được hưởng lợi gián tiếp khi ngành du lịch phát triển ở Việt Nam.
Trung Mến