Kể từ khi khai mạc World Cup 2018, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát hiện ra 700 tài khoản khai thác bản quyền truyền hình trái pháp luật.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, đơn vị này vẫn đang phối hợp với VTV để xử lý các vi phạm bản quyền truyền hình World Cup 2018.
"Hiện nay, các hình thức xâm phạm bản quyền World Cup 2018 chủ yếu diễn ra trên Facebook và Youtube. Kể từ khi khai mạc giải đấu này, Đài Truyền hình Việt Nam đã phát hiện ra 700 tài khoản khai thác bản quyền truyền hình trái pháp luật. Đối với các tài khoản Facebook, sau khi livestream các trận đấu, họ sẽ nhanh chóng xóa video để không lưu lại bằng chứng. Đối với Youtube, các tài khoản xâm phạm bản quyền lại dùng thủ thuật là thu nhỏ màn hình. Đây là những hình thức khai thác lậu bản quyền World Cup một cách tinh vi, thủ đoạn" - công văn VTV viết.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi các yêu cầu cho Facebook và Youtube yêu cầu ngăn chặn những tài khoản có dấu hiệu vi phạm bản quyền World Cup.
World Cup 2018 có thể bị dừng phát sóng tại Việt Nam bất cứ lúc nào nếu tình trạng vi phạm bản quyền không chấm dứt. Ảnh: FIFA
Đối với các website livestream trận đấu qua các phần mềm điện tử, Bộ đang phối hợp với Cục An toàn thông tin và các nhà mạng để ngăn chặn.
Trả lời về việc có xử lý hình sự đối với các trường hợp vi phạm bản quyền truyền hình World Cup, ông Lê Quang Tự Do cho hay, việc xử lý cần phải căn cứ theo quy định của pháp luật. Cơ quan chức năng cũng cần chỉ ra những thiệt hại mà các cá nhân, đơn vị vi phạm bản quyền gây ra đối với VTV. Từ đó, sẽ có mức xử phạt thích đáng.
Trước đó, VTV gửi công văn đến Bộ TTTT xin chỉ đạo về việc phối hợp, hỗ trợ xử lý các trường hợp vi phạm quy định của FIFA về bản quyền World Cup 2018.
Theo công văn của VTV, sau khi chính thức sở hữu bản quyền truyền thông, trở thành đơn vị phát sóng chính thức của FIFA World Cup 2018 tại Việt Nam, VTV đã tiến hành chia sẻ bản quyền với nhiều cơ quan truyền thông và triển khai các biện pháp bảo vệ bản quyền theo đúng quy định và yêu cầu của FIFA như truyền thông, làm việc với các nhà mạng Viettel, FPT, VNPT và tổ chức đội ngũ để phát hiện, báo cáo các vi phạm…
Tuy nhiên, trong 3 ngày đầu tiên của World Cup (từ 14 đến 16.6.2018), tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam được đánh giá là rất nghiêm trọng. Nhiều website vẫn livestream, đăng tải clip vi phạm bản quyền; tình trạng livestream các trận đấu cũng diễn ra tràn lan trên Facebook và Youtube.
Trước tình hình này, VTV vẫn đang tích cực phối hợp với FIFA để xử lý các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, có một số trường hợp rất cần sự xem xét can thiệp, xử lý nghiêm khắc của Bộ Thông tin-Truyền thông.
Theo VTV, các đơn vị vi phạm bản quyền dưới bất kỳ hình thức nào sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi tổn thất phát sinh cho VTV. Đồng thời, đơn vị vi phạm cũng sẽ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về các tổn thất phát sinh theo quy định của FIFA.