Theo báo cáo của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, năm 2021, Ban đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn 58 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 559,51 triệu USD, tăng 127%; cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 19 dự án DDI, tổng vốn đầu tư 7.775,9 tỷ đồng, tăng 476% so với năm 2020.
Các dự án đầu tư mới đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Đài Loan, Samoa, British Virgin Islands và chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất điện tử, linh kiện điện tử. Đặc biệt, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, nhất là việc kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đã giúp các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà xưởng, đưa dự án vào hoạt động, góp phần tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp. Hết năm 2021, ngoài khu công nghiệp Bình Xuyên II (giai đoạn I) đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, các khu công nghiệp khác như: Khai Quang, Bình Xuyên, Bá Thiện đều đạt tỷ lấp đầy cao, lần lượt là 94%, 92% và 75%. Riêng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc mặc dù mới đi vào hoạt động gần 4 năm nhưng đã thu hút được 6 dự án DDI, tổng vốn đầu tư 1.109,58 tỷ đồng và 26 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 732,77 triệu USD; tỷ lệ lấp đầy 73%.
Trên cơ sở đó, phấn đấu trong năm 2022, Vĩnh Phúc thu hút 25 đến 30 dự án FDI mới, tổng vốn đăng ký khoảng 300 triệu USD; 5 dự án DDI mới, tổng vốn đăng ký từ 700 đến 1.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ linh hoạt các hoạt động xúc tiến đầu tư, công khai, minh bạch các thủ tục hành chính; tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; điều chỉnh quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời kỳ 2021-2030; đẩy mạnh các dịch vụ cung ứng, hỗ trợ các dự án sau cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch. Cùng với đó, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án để có thêm khoảng 30 đến 35 dự án đi vào hoạt động và vốn thực hiện các dự án FDI đạt khoảng 330 triệu USD, dự án DDI đạt khoảng 600 tỷ đồng.
PV