Sáng 19/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo trực tuyến “Pháp luật về Kinh tế tuần hoàn – Một số vấn đề đặt ra”. Các ý kiến đề xuất bổ sung các chính sách, quy định cụ thể theo hướng quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra thị trường, nhiều ý kiến chuyên gia kiến nghị cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển.
Cần thể chế hóa một cách rộng rãi trong các quy định pháp luật
Tại hội thảo, đa số ý kiến thống nhất nhận định, phát triển KTTH trở thành xu hướng tất yếu của các quốc gia, giúp giải quyết bài toán giữa lợi ích kinh tế và môi trường.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Vũ Thanh Ca, trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cho biết, hiện ở Việt Nam nền KTTH mới chủ yếu được bắt đầu nghiên cứu mà chưa được thể chế hóa một cách rộng rãi trong các quy định pháp luật. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là văn bản pháp luật duy nhất cho đến nay đã nêu định nghĩa cụ thể về kinh tế tuần hoàn.
Theo đó, KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Luật cũng giao Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Thanh Ca cũng cho rằng, nếu xét rộng ra thì Việt Nam đã có cả một hệ thống pháp luật, chính sách với các quy định khác nhau nhằm phục vụ phát triển bền vững, đảm bảo tăng trưởng xanh. Trước hết, Luật Bảo vệ môi trường 2005, 2014 và gần đây nhất là 2020 và các văn bản dưới luật đã quy định cụ thể về vấn đề phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải nhằm bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên. Các vấn đề liên quan tới tăng trưởng xanh, bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái cũng được quy định cụ thể trong các luật như: Luật đa dạng sinh học, Luật lâm nghiệp, Luật thủy sản và các văn bản dưới luật, đặc biệt các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
"Các văn bản luật, dưới luật và các chính sách này có thể được xem là cơ sở để xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật cụ thể nhằm chuyển đổi, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Đặc biệt, phát triển một nền kinh tế tuần hoàn đã được đưa vào văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam,... ", PGS.TS Vũ Thanh Ca lưu ý.
Nhấn mạnh Việt Nam chưa có những nghiên cứu sâu về việc áp dụng các nguyên tắc của nền kinh tế tuần hoàn cho lĩnh vực du lịch, dịch vụ, PGS.TS Vũ Thanh Ca cho rằng, để hỗ trợ chuyển đổi, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, Việt Nam cần nghiên cứu, ban hành một hệ thống chính sách, pháp luật đầy đủ nhất về nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực này. Các kinh nghiệm quốc tế về phát triển nền kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ cần được nghiên cứu, áp dụng để từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm chuyển đổi, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch ở Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, cho biết, nội dung KTTH lần đầu tiên được quy định trong pháp luật tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 và cụ thể hóa trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành khi luật bắt đầu có hiệu lực vào tháng 01/2022.
Do vậy, căn cứ để kiểm định hiệu quả thực thi trong thực tiễn áp dụng chưa có. Tuy nhiên, mỗi bước triển khai xây dựng luật và quy định thực hiện trong dự thảo Nghị định đã có sự chuẩn bị cẩn trọng với sự tham vấn của các bên liên quan và tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Khẳng định, vì lần đầu tiên những quy định pháp luật về kinh tế tuần hoàn được thực hiện ở Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Thế chinh cho rằng, còn nhiều vấn đề đặt ra cần được trao đổi thảo luận cặn kẽ, nhất là bước đầu chúng ta mới dừng lại ở “khuyến khích” phát triển mô hình Kinh tế tuần hoàn, đến một thời điểm nhất định, thực hiện KTTH sẽ có tính cạnh tranh cao trên thị trường do hiệu quả kinh tế mang lại và khi đó chuyển sang quy định pháp luật bắt buộc sẽ phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cũng đề xuất, về tầm nhìn dài hạn, sau khi có Nghị định triển khai, cũng cần có đánh giá tính phù hợp, nhận diện những vấn đề đặt ra trong thực thi. Từ đó, có lộ trình và các bước đi tiếp theo chuẩn bị cho nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
Tiêu chí chung ở cấp quốc gia phù hợp tiêu chuẩn hoá các chuỗi giá trị toàn cầu
Theo TS. Lại Văn Mạnh (Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường), kiến nghị, để thực hiện được các đề xuất chính sách trong ngắn hạn, Việt Nam cần xây dựng kế hoạch hành động quốc gia; thiết kế bộ tiêu chí chung ở cấp quốc gia, tiêu chí đối với các ngành, lĩnh vực và đối với từng loại hình dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các chính sách đặc thù để khuyến khích thực hiện KTTH. Bên cạnh đó, cần xem xét sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật khác như thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, bảo vệ người tiêu dùng, pháp luật về đầu tư công… để thúc đẩy áp dụng KTTH vào thực tiễn.
Trong sản xuất nông nghiệp, PGS.TS. Phan Thế Công, Trưởng Bộ môn Kinh tế học, trường Đại học Thương mại cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề xói mòn đất, sự gia tăng khí thải và rác thải trong nông nghiệp, trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Do đó, việc lựa chọn nền KTTH đối với Việt Nam là yêu cầu tất yếu nhằm khắc phục hạn chế của mô hình tăng trưởng truyền thống. “Phát triển mô hình KTTH bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo trong hoạt động sản xuất nông nghiệp sẽ giúp Việt Nam tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, giảm ô nhiễm môi trường và tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu, nhiên liệu”, ông Phan Thế Công khẳng định.
Theo TS. Phạm Thị Tố Oanh, Trưởng Ban chính sách và phát triển HTX, Liên minh HTX Việt Nam nhận định, Nhà nước chưa có tiêu chí cho các mô hình KTTH, một số chính sách về bảo vệ môi trường đang thiếu các điều kiện để triển khai như: hỗ trợ thu gom và quản lý rác thải ở nông thôn, sử dụng khí sinh học, sản xuất sạch, quản lý tài nguyên dựa vào cộng đồng… Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng chỉ mới đưa ra quy định “Cở sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối”.
Đặc biệt, việc áp dụng mức thuế suất của Luật Thuế Tài nguyên (2009) mới chỉ đặt mục tiêu điều tiết tài nguyên có giá trị cao (thể hiện ở mức thuế suất áp dụng đối với khoáng sản không kim loại và dầu thô), mà chưa hướng đến việc hạn chế khai thác tài nguyên làm nguyên liệu hay bảo tồn thiên nhiên.
Từ đó, bà Tố Oanh đề xuất bổ sung các chính sách, quy định cụ thể theo hướng quy định trách nhiệm cụ thể của nhà sản xuất, nhà phân phối trong việc thu hồi, phân loại và tái chế hoặc chi trả chi phí xử lý các sản phẩm thải bỏ dựa trên số lượng sản phẩm bán ra thị trường; quản lý dự án theo vòng đời, thiết lập lộ trình xây dựng và áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường tương đương với nhóm các nước tiên tiến trong khu vực…
Từ quá trình nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về KTTH, PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, Trung Quốc đã ban hành Luật Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (có hiệu lực từ tháng 1 năm 2009). Việt Nam, hiện nay cơ sở pháp lý để thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn ở cấp chiến lược là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Theo đó, tại Khoản 11 Điều 5 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định việc lồng ghép, thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội để làm cơ sở thực hiện nhất quán chính sách nhà nước về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, tại Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng nêu rõ định nghĩa về kinh tế tuần hoàn; Chính phủ quy định tiêu chí, lộ trình, cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, cũng quy định trách nhiệm việc triển khai thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn cho 02 hợp phần quan trọng là các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân cũng cho rằng, cơ sở pháp lý về việc thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam quy định tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chỉ mang tính chất định hướng, chưa có văn bản dưới Luật để chi tiết hóa và hướng dẫn cụ thể làm cơ sở triển khai thực hiện trong thực tế.
Theo ông Nguyễn Hồng Quân, có 3 nhóm lĩnh vực cần ưu tiên hoàn chỉnh khung pháp lý, bao gồm: KTTH trong nông nghiệp; Trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất; Khu công nghiệp sinh thái và cộng sinh công nghiệp. Trong đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp, theo PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, cần sớm ban hành các quy định về nguồn nguyên liệu thứ cấp, quy trình sản xuất tuần hoàn, tận dụng phụ phế phẩm sẽ giúp các sản phẩm nông sản, đặc biệt là các sản phẩm chiết xuất từ phụ phế phẩm thủy sản (thực phẩm, dược phẩm, thức ăn chăn nuôi…) đáp ứng yêu cầu các thị trường này và đạt được một số chứng nhận (ISO, hữu cơ, sinh thái....) để gia tăng giá trị sản phẩm. Ngược lại cần có các quy định trong việc kiểm soát chất lượng và đặc tính các nguyên vật liệu từ phụ phế phẩm, sản phẩm tái chế, tái sử dụng nhập khẩu vào nước ta, trong đó có các sản phẩm vật tư nông nghiệp, phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi, thủy sản…
Ngoài ra, cũng có ý kiến đề xuất, khẩn trương bổ sung các văn bản hướng dẫn các nội dung cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường nhằm giúp bức tranh tổng thể về kinh tế tuần hoàn của Việt Nam sớm hoàn thiện - Một số chủ đề khác liên quan đến KTTH trong phát triển năng lượng tái tạo, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững, phát triển kinh tế địa phương… sẽ được nghiên cứu, đề xuất trong thời gian tới..
Kết luận Hội thảo, TS.Lê Hải Đường - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, ghi nhận và đánh giá cao ý kiến phát biểu thảo luận, tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học. Cho rằng đây là vấn đề mới, còn nhiều thách thức, Phó Viện trưởng đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài tổng hợp, tiếp tục nghiên cứu và tham vấn, hoàn thiện Đề tài nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất thúc đẩy phát triển Kinh Tế Tuần Hoàn tại Việt Nam.
Việt Nam hiện nay, Kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 trong Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Mặc dù chưa có khung chương trình quốc gia về kinh tế tuần hoàn, nội dung về kinh tế tuần hoàn đã được thể hiện trong rất nhiều chiến lược, chính sách phát triển đất nước trong giai đoạn vừa qua, như: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 có nêu: “Xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”.
Phạm.Giang