Việt Nam nhất quán ủng hộ cải tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

14:52 27/01/2023

Việt Nam cho rằng các nước cần nắm bắt thời điểm hiện nay, thúc đẩy cải tổ Hội đồng Bảo an toàn diện và sâu sắc để cơ quan này có thể hoàn thành đầy đủ trách nhiệm quan trọng của mình là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Trong 6 cơ quan của Liên hợp quốc - tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh với 193 quốc gia thành viên, Hội đồng Bảo an (HĐBA) giữ vai trò đặc biệt quan trọng. 

Ảnh minh họa
Quang cảnh một phiên họp tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

HĐBA có trách nhiệm chính trong việc giữ gìn hòa bình và an ninh quốc tế. Theo đó, HĐBA có thể áp dụng các biện pháp nhằm giải quyết hòa bình các tranh chấp, xung đột và khi cần thiết, có thể sử dụng các biện pháp, kể cả cưỡng chế và vũ lực, nhằm loại trừ các mối đe dọa, phá hoại hòa bình, hoặc các hành động xâm lược.

Hội đồng Bảo an gồm 15 nước thành viên, trong đó có năm nước Ủy viên thường trực, thường được gọi là Nhóm P5, gồm: Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc. Còn lại là 10 nước thành viên không thường trực (gọi tắt là Nhóm E10) do Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu ra với nhiệm kỳ hai năm trên cơ sở phân chia công bằng về mặt địa lý và có tính tới sự đóng góp của những nước này cho tôn chỉ và mục đích của Liên hợp quốc và không được bầu lại nhiệm kỳ kế ngay sau khi mãn nhiệm.

10 nước thành viên không thường trực, thường được gọi là Nhóm E10, được bầu theo sự phân bổ khu vực địa lý như sau: năm nước thuộc châu Phi và châu Á; một nước thuộc Đông Âu; hai nước thuộc vùng Mỹ Latinh và Caribe; hai nước thuộc Tây Âu và các nước khác.

Nhóm E10 nhiệm kỳ 2022-2023 gồm: Albania, Brazil, Gabon, Ghana, Ấn Độ, Ireland, Kenya, Mexico, Na Uy và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Ngày 26/1/2023, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York, tiến trình đàm phán liên chính phủ (IGN) về cải tổ Hội đồng Bảo an tại Khóa họp 77 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã nhóm họp phiên đầu tiên về vấn đề đại diện công bằng và tăng ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, trong quá trình thảo luận, các nước thành viên Liên hợp quốc đều nhấn mạnh sự cần thiết phải cải tổ Hội đồng Bảo an nhằm đảm bảo tính đại diện, dân chủ, minh bạch, hiệu quả cũng như phản ánh được thực tiễn tình hình thế giới hiện nay.

Nhiều nước ủng hộ mở rộng số lượng ủy viên HĐBA, cả ủy viên thường trực và không thường trực, Trong khi đó một số ý kiến cho rằng chỉ nên mở rộng số lượng ủy viên không thường trực và tính đến một cơ cấu thành viên HĐBA mới. Về việc tăng tính đại diện tại HĐBA, các ý kiến đều khá thống nhất trong việc bảo đảm tính đại diện về địa lý, trong đó các nhóm nước đang có ít đại diện cần được tăng số ghế trong HĐBA. 

Ảnh minh họa

Đại sứ Nguyễn Phương Trà, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc phát biểu tại cuộc họp, cho rằng các thách thức mà thế giới đang phải đối mặt mặc dù chưa có dấu hiệu suy giảm, nhưng cũng là động lực cho sự thay đổi.

Do đó, Việt Nam cho rằng các nước cần nắm bắt thời điểm hiện nay, thúc đẩy cải tổ Hội đồng Bảo an toàn diện và sâu sắc để cơ quan này có thể hoàn thành đầy đủ trách nhiệm quan trọng của mình là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Về việc mở rộng ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Nguyễn Phương Trà nhắc lại quan điểm của Việt Nam ủng hộ mở rộng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cả số ủy viên thường trực và không thường trực, bảo đảm sự đại diện công bằng cho các nhóm khu vực, nhất là đối với các nhóm nước chưa có đại diện hoặc ít đại diện, trong đó có các nước đang phát triển. Đại sứ cũng nhấn mạnh việc cải tiến phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an và giới hạn sử dụng quyền phủ quyết.

Đại diện Việt Nam nêu tầm quan trọng của đối thoại và thảo luận về vấn đề cải tổ Hội đồng Bảo an trong khuôn khổ tiến trình đàm phán liên chính phủ, đề nghị tiến trình này phải được thực hiện một cách minh bạch, có sự tham gia đầy đủ và trên cơ sở tôn trọng lợi ích của các nước.

Tiến trình IGN được thành lập năm 2008 theo Quyết định số 62/557 của Đại Hội đồng LHQ để đàm phán về cải tổ HĐBA LHQ tại các phiên toàn thể không chính thức của Đại Hội đồng LHQ. Tiến trình IGN với 3-5 cuộc họp tiến hành hằng năm, tập trung thảo luận 5 vấn đề then chốt gồm: (i) Các loại ủy viên HĐBA; (ii) Quyền phủ quyết; (iii) Đại diện khu vực; (iv) Quy mô mở rộng và phương pháp làm việc và (v) Quan hệ giữa HĐBA và Đại Hội đồng LHQ.

Về đại diện của các khu vực tại HĐBA, nhóm châu Á - Thái Bình Dương và nhóm châu Phi đang có tính đại diện thấp nhất khi mỗi nhóm chỉ có 3 ghế tại HĐBA trong khi châu Á - Thái Bình Dương có 55 nước, châu Phi có 54 nước trong tổng số 193 nước thành viên LHQ. Nhóm Tây Âu và các nước phương Tây có tính đại diện cao nhất khi có đến 5 ghế tại HĐBA LHQ trong khi nhóm này chỉ có 29 nước.

D.A (T/h)