Việt Nam hụt hơn 13 tỷ kWh điện vào năm 2023

17:22 01/11/2022

Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam dự báo nhu cầu điện tiếp tục tăng cao trong những năm tới trong bối cảnh Việt Nam liên tục thu hút dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng.

Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (CTS/HoSE) vừa công bố Báo cáo “Triển vọng ngành điện quý III/2022”. Theo đó dự báo sản lượng điện trên toàn hệ thống sẽ thiếu hụt khoảng 13,3 tỷ kWh trong năm 2023, và 27,7 tỷ kWh đến năm 2025.

Cụ thể, theo thống kê từ CTS, tổng sản lượng điện toàn cầu đã tăng 6,2% vào năm 2021 - tương tự mức tăng mạnh trở lại vào năm 2010 hậu khủng hoảng tài chính (6,4%). CTS dự báo nhu cầu điện tiêu thụ cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn sẽ đạt ở mức cao. Trong vòng 5 năm tới, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện đạt 8.5%/năm, tập trung vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng. 

Việt Nam hụt hơn 13 tỷ kWh điện vào năm 2023
Việt Nam hụt hơn 13 tỷ kWh điện vào năm 2023.

Theo CTS, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống hàng năm tăng với CAGR (tỷ lệ tăng trưởng hằng năm kép) đạt 6,8% giai đoạn từ năm 2019-2021, gần 260 triệu kWh vào năm 2021. Trong hơn 5 năm qua, cơ cấu phụ tải gần như không thay đổi, với công nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu phụ tải của Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, gần 96% tổng sản lượng điện tiêu thụ toàn hệ thống.

CTS dự báo nhu cầu điện tiếp tục tăng cao trong những năm tới trong bối cảnh Việt Nam liên tục thu hút dòng vốn FDI chảy vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xây dựng.

Hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc năm 2022 tại TP Đà Nẵng ngày 14/07 do Bộ Công Thương tổ chức dự báo 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Theo CTS, dựa trên báo cáo cập nhật cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021-2025 của EVN, sản lượng điện thiếu hụt trên toàn hệ thống sẽ vào khoảng 13,3 tỷ kWh trong năm 2023 và 27,7 tỷ kWh đến năm 2025. 

Việt Nam hụt hơn 13 tỷ kWh điện vào năm 2023
Việt Nam hụt hơn 13 tỷ kWh điện vào năm 2023.

Trong đó, tỷ lệ dự phòng công suất toàn quốc đến năm 2025 (không tính năng lượng tái tạo) chỉ khoảng 18%. Cụ thể, tỷ lệ dự phòng hệ thống điện miền Nam sẽ giảm mạnh từ năm 2023 và không đủ điện vào năm 2025. Còn ở miền Bắc, tỷ lệ dự phòng năm 2025 chỉ còn 10%. Do vậy, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu khí LNG và tăng phụ tải nhiệt điện để đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp phát triển kinh tế.

Về nhiệt điện, CTS dự báo Việt Nam về cơ bản tiếp tục nhập khẩu than, bởi nhu cầu than ngày càng tăng cao, đến năm 2035 từ 94-127 triệu tấn/năm. Cùng với đó, Việt Nam phải nhập khẩu than nhiều nhất khoảng 80 triệu tấn vào năm 2030. Trong khi đó, tiềm năng tài nguyên than là có hạn.

CTS mạnh dạn đặt dự báo khả quan cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp điện than về dài hạn khi nhu cầu về nhiệt điện than và khí vẫn tăng cao. Tuy nhiên, sẽ không có nhiên liệu giá rẻ, mà chỉ có giá thị trường; giá than và khí đốt được mua bán với chu kỳ dài, có cam kết bao tiêu chỉ thấp hơn so với giá thị trường giao ngay (spot). Giá khí đốt thị trường châu Á vào năm 2030 dự báo không vượt quá 9,7 USD/triệu BTU.

Về điện khí, CTS nhận định Việt Nam vẫn phải tiếp tục nhập khẩu khí thiên nhiên LNG để phục vụ các nhà máy điện khí mới. Nguyên nhân vì chi phí đầu tư cao, để có giá khí sau tái hóa khí và giá điện ở mức hợp lý, các hợp đồng cung cấp khí phải có khối lượng lớn (cho cả cụm trung tâm nhiệt điện) và dài hạn cần quy hoạch các trung tâm nhiệt điện LNG lớn, liên kết chuỗi giá trị LNG (khí, điện, cảng biển) để đạt được lợi thế theo quy mô, ngoài ra còn để tăng khối lượng, giảm giá thành và ổn định trong vận hành và tiêu thụ.

PV (t/h)