Việt Nam hoàn toàn có kỳ vọng đón "làn sóng" FDI mạnh mẽ

08:30 07/12/2020

Càng về cuối năm, Việt Nam càng lấy lại được đà tăng trưởng, điều này khiến chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng đón "làn sóng" FDI mạnh mẽ từ nước ngoài.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa.

Điểm sáng trong thu hút đầu tư FDI

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam (FDI) tính đến ngày 20 -11 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,4 tỉ USD, giải ngân vốn FDI 11 tháng đầu năm đạt 17,2 tỷ USD.

Đặc biệt, việc ký kết Hiệp định RCEP là điểm nhấn, dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, mở ra một thị trường ổn định và rộng lớn với 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm 30% GDP toàn cầu; là cơ hội tốt để duy trì, thúc đẩy đà phục hồi sau dịch bệnh, thu hút đầu tư nước ngoài. 

Đáng chú ý, các tỉnh, TP phía Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam… đang có kết quả thu hút vốn đầu tư FDI khả quan nhờ các chính sách "dọn tổ đón đại bàng" như chỉ đạo của Chính phủ.

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng các địa phương nêu trên đã triển khai nhiều giải pháp để thu hút vốn đầu tư FDI, tận dụng sự dịch chuyển của dòng vốn này. Đặc biệt hơn, khi Việt Nam đang được nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đánh giá cao về kết quả kiểm soát và phòng chống dịch.

Với lợi thế là TP cảng, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh, là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, Hải Phòng tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, Hải Phòng có 68 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư hơn 1,02 tỉ USD và 38 dự án điều chỉnh tăng vốn với số vốn tăng trên 365 triệu USD. Một điểm khởi sắc là các dự án mới và tăng vốn cũng chủ yếu thuộc ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Theo số liệu mới nhất của Cục Thống kê TP Hải Phòng, chỉ tính riêng từ nửa cuối tháng 10 đến nay, TP cảng đã có 7 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư là 517,3 triệu USD. Điều chỉnh tăng vốn 5 dự án với số vốn tăng là 39,2 triệu USD. Đối với cấp mới, đáng kể nhất là dự án PEGATRON với số vốn đăng ký mới là 481 triệu USD.

Tương tự, 11 tháng đầu năm, tỉnh Vĩnh Phúc thu hút được 20 dự án vốn đầu tư FDI mới với tổng số vốn hơn 213 triệu USD; 35 lượt tăng vốn đầu tư với tổng số vốn tăng thêm là 189,56 triệu USD. Hiện các dự án FDI đầu tư vào Vĩnh Phúc đến từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Hàn Quốc có số lượng dự án cũng như tổng vốn đầu tư cao nhất, với 213 dự án và tổng vốn 2,37 tỉ USD. Tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore.

Đối với Hà Nội, trong 11 tháng cũng thu hút được khoảng 3,2 tỉ USD vốn FDI. Trong đó có 662 triệu USD của 464 dự án cấp phép mới và hơn 1,2 tỉ USD của 132 dự án bổ sung vốn đầu tư; số góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 1,2 tỉ USD.

Bắc Giang cũng đã thu hút được 29 dự án FDI, với tổng số vốn đăng ký hơn 334 triệu USD, có 58 dự án đăng ký bổ sung vốn với số tăng thêm là hơn 533 triệu USD.

Theo Reuters, vào cuối tháng 11 vừa qua, Foxconn - nhà gia công lớn của thế giới và chuyên sản xuất cho Apple, sẽ chuyển một phần dây chuyền lắp ráp máy tính bảng iPad và máy tính xách tay MacBook sang Việt Nam.

Đại diện Bộ KH-ĐT cũng xác nhận việc có nhà đầu tư đối tác lớn của Apple là Foxconn, Winstron và Luxshare đã chính thức hiện diện tại Việt Nam và Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng làn sóng đầu tư FDI thứ 4.

Thu hút đầu tư có chọn lọc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, việc thu hút đầu tư có cải thiện trong bối cảnh quốc tế hiện nay, nhất là một số dự án công nghệ cao đã vào các địa phương. Đây là điều đáng mừng song vẫn còn giảm mạnh so với năm trước. “Chúng ta phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng lưu ý.

Theo Thủ tướng, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 góp phần phục hồi xuất khẩu sang châu Âu, nhất là Hiệp định RCEP có hiệu lực trong vòng 18 tháng tới, sẽ mang lại nhiều cơ hội xuất khẩu, đầu tư, du lịch, đồng thời là nhân tố quan trọng tiếp tục đẩy mạnh quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh đầu tư công, phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đầu tư tư nhân, bao gồm cả đầu tư trong nước và FDI. Muốn làm được điều đó, phải cải cách môi trường đầu tư mạnh mẽ hơn để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, vừa tận dụng cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh xu thế dịch chuyển vốn đầu tư, chuỗi cung ứng, Thủ tướng nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhắc đến chuyện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, khi RCEP được ký kết đúng vào thời điểm thế giới đang định vị, tổ chức lại các chuỗi cung ứng, trong khi các hoạt động đầu tư đang có xu hướng dịch chuyển.

“Việt Nam có cơ hội để định hình lại và có thể khai thác tốt hơn nữa các vị thế mới, từ đó xây dựng vị trí trong bản đồ các chuỗi cung ứng trên toàn cầu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói. Cùng với các nước ASEAN khác, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội trở thành một trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ những nước trong RCEP.

Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam đang là một điểm đến tiềm năng với nhiều ưu thế, nhất là thành tựu chống dịch. Việt Nam cũng đảm bảo 4 yếu tố mà doanh nghiệp FDI mong muốn khi đầu tư vào một quốc gia. Đó là nguồn lao động có tay nghề, hệ thống logistics thuận tiện, môi trường pháp lý linh hoạt và triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định.

Tuy nhiên, việc thu hút FDI thời gian qua cũng tồn tại không ít thách thức cần giải quyết. Trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, thời gian qua, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị còn hạn chế, đặc biệt là trong các lĩnh vực có hàm lượng chất xám cao. Tỷ lệ nội địa hóa bình quân hiện nay chỉ đạt 33%, cho thấy mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam còn thấp, chủ yếu tham gia ở các công đoạn “thuần gia công” trong chuỗi giá trị, với giá trị gia tăng khiêm tốn. Bên cạnh đóng góp tích cực, khối doanh nghiệp FDI cũng tạo ra nhiều tiêu cực về ô nhiễm môi trường, hiện tượng chuyển giá, trốn thuế.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, để giữ sức hút với vốn FDI, trước hết, Việt Nam đang nỗ lực phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, đồng thời thuận lợi hóa các thủ tục cách ly, kiểm tra y tế để các nhà đầu tư có thể dễ dàng tiếp cận tìm hiểu thị trường Việt Nam. Việt Nam đang vừa khôi phục, đổi mới đồng bộ nền kinh tế, vừa phát triển kinh tế số, chính phủ số để dịch chuyển nhanh theo hướng hiện đại.

Đồng thời, chúng ta đang chủ động thu hút đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá. Các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu là những ưu tiên trong thu hút FDI hiện nay, nhằm đảm bảo tính hiệu quả và bền vững.

Bảo Bảo