Báo cáo ESG tại Việt Nam do tổ chức PwC công bố cho thấy, 80% doanh nghiệp đã đưa ra cam kết về thực hiện ESG hoặc có kế hoạch thực hiện ESG trong vòng 2-4 năm tới.
Ông Patrick Haverman, Phó trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng, doanh nghiệp nào thực sự quan tâm đến yếu tố ESG sẽ có lợi thế trong hành trình kinh doanh và tăng trưởng. Việc đầu tư vào thực hành ESG mang lại giá trị lâu dài, giúp doanh nghiệp tăng hiệu quả cạnh tranh trong tiêu thụ hàng hóa và tham gia vào chuỗi cung ứng.
Ông Matthew Smith, Giám đốc nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, phân tích rằng, các yếu tố ESG không còn là tùy chọn mà đã trở thành yếu tố thiết yếu. Một công ty duy trì các tiêu chuẩn và hành động ESG cao sẽ được nhìn nhận tích cực hơn. Nhà đầu tư cũng hướng tới các doanh nghiệp có thực hành ESG vì chúng ít rủi ro hơn, từ đó dễ dàng thu hút vốn đầu tư.
Theo ông Chad Ovel, Tổng Giám đốc Mekong Capital, nền kinh tế năng động của Việt Nam mang lại môi trường phát triển bền vững. Thị trường đang phát triển và nhận thức của người tiêu dùng ngày càng tăng tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tập trung vào ESG. Chính phủ Việt Nam cũng thể hiện sự chủ động trong việc thúc đẩy thực hành ESG qua các quy định và ưu đãi hỗ trợ, tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư bền vững. So với các quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam kết hợp giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với cam kết bền vững, làm nơi đây trở thành địa điểm lý tưởng cho các khoản đầu tư vào ESG. Việc nhấn mạnh đến sự thịnh vượng của cộng đồng trong văn hóa Việt Nam phù hợp với các nguyên tắc ESG, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp các hoạt động bền vững vào kinh doanh.
Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển Doanh nghiệp Dragon Capital Việt Nam, cho biết, Việt Nam đã cải thiện thứ hạng trong Chỉ số tăng trưởng xanh và Chỉ số tương lai xanh, bất chấp những thách thức về hiệu quả sử dụng tài nguyên. Nhu cầu ngày càng tăng của công chúng đối với các sản phẩm tài chính xanh phản ánh sự thay đổi xã hội theo hướng bền vững. Những yếu tố này giúp Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn cho các khoản đầu tư tập trung vào ESG, mang lại cơ hội đáng kể so với các nước láng giềng trong khu vực.
Tuy nhiên, ông Vinh cũng nhấn mạnh rằng, để giải quyết những thách thức này, Việt Nam cần tăng cường khung pháp lý, thiết lập hệ thống phân loại xanh quốc gia mạnh mẽ, thúc đẩy đầu tư vào công nghệ xanh và cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực và nhận thức về tài chính xanh, khuyến khích thực hành báo cáo ESG và GHG tốt hơn trong các công ty và cải thiện cơ chế thực thi quy định. Bằng cách giải quyết những vấn đề này một cách toàn diện, Việt Nam có thể tạo ra môi trường thuận lợi hơn cho phát triển bền vững và thu hút đầu tư nhiều hơn vào các sáng kiến tập trung vào ESG.
P.V (t/h)