Tính đến nay, CPTPP đã có hiệu lực với Việt Nam được gần 03 năm. Là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao đầu tiên mà Việt Nam từng tham gia, CPTPP có tác động trực tiếp tới nhiều chế định pháp luật nội địa của Việt Nam. Do đó, khác với nhiều FTA trước đây, công tác sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật nội địa nhằm bảo đảm tương thích với cam kết là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình thực thi Hiệp định này. Trên thực tế, có thể nói CPTPP là hiệp định đầu tiên sau WTO đòi hỏi Việt Nam phải triển khai các hoạt động xây dựng pháp luật (XDPL) thực thi cam kết ở phạm vi rộng như vậy. Một phần đáng kể trong số này đã được triển khai trong giai đoạn 2019-2020, với các văn bản được ban hành mới, sửa đổi/bổ sung trong nhiều lĩnh vực, ở các cấp độ pháp lý khác nhau.
Khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng “Việc tổng kết quá trình thực hiện các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP đã triển khai, đánh giá các thành công và bất cập, nhận diện những nguyên nhân liên quan có ý nghĩa rất quan trọng. Một mặt, đây là cơ sở để Việt Nam rút ra những bài học kinh nghiệm trực tiếp cho giai đoạn tiếp theo của quá trình thực thi các cam kết có lộ trình dài hơn, có nội dung thử thách hơn của CPTPP. Mặt khác, những hàm ý chính sách từ đây có thể là kim chỉ nam hữu dụng cho các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao trong thời gian tới” và đây là lý do thúc đẩy VCCI thực hiện Báo cáo nghiên cứu “Hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP – Rà soát các kết quả đã thực hiện và Hàm ý chính sách cho giai đoạn sắp tới” cũng như tổ chức Hội thảo này.
Theo ông Phòng chúng ta lại được chứng kiến một sự thay đổi khác, tuy có vẻ trầm lắng hơn nhưng không kém phần quan trọng, đó là những chuyển động về thể chế, mà trước hết là công tác xây dựng pháp luật thực thi các cam kết của Việt Nam trong CPTPP.
CPTPP là Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới, tiêu chuẩn cao đầu đầu tiên mà Việt Nam từng tham gia. Việc thực thi Hiệp định này có tác động trực tiếp tới nhiều chế định pháp luật nội địa của Việt Nam.
Do đó, khác với nhiều FTA trước đây, công tác sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật nội địa nhằm bảo đảm tương thích với cam kết là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình thực thi Hiệp định này.
Theo Ông Charles Thursby-Pelham, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Australia tại Việt Nam: “Việc rà soát toàn diện các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi CPTPP này là nguồn thông tin hữu ích cho các cơ quan Nhà nước, VCCI, các hiệp hội và mỗi doanh nghiệp khi đánh giá về những lợi ích từ Hiệp định này. Các kết quả rà soát cũng sẽ là tiền đề có ý nghĩa cho các bước tiếp theo trong quá trình thực thi CPTPP nói riêng và các FTA nói chung trong thời gian tới”.
Tổng hợp của VCCI cho thấy theo các dự kiến và kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành thì có tổng cộng 07 Luật, 06 Nghị định và 06 Thông tư cần được sửa đổi hoặc xây dựng mới. Các hoạt động XDPL này dự kiến chia làm 02 đợt: đợt đầu thực hiện với các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và đợt sau thực hiện với các cam kết CPTPP có lộ trình muộn hơn. Rà soát của VCCI thực hiện với tổng cộng 11 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được ban hành để thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và 04 văn bản được soạn thảo để chuẩn bị thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực theo lộ trình trong giai đoạn 2019-2021.
Đại diện nhóm nghiên cứu, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho biết, qua rà soát, hiện có tổng cộng 11 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và 4 văn bản đang được soạn thảo để chuẩn bị thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực theo lộ trình trong giai đoạn 2019-2021.
Đánh giá những văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành để thực thi các cam kết CPTPP gồm 2 Luật, 2 Nghị định và 7 Thông tư, thực thi 63 nhóm cam kết CPTPP về thương mại hàng hóa, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, lao động... đều đảm bảo phù hợp với Hiến pháp Việt Nam, đúng thẩm quyền, trình tự, thể thức và cơ bản hài hòa, không mâu thuẫn với các quy định khác trong hệ thống pháp luật liên quan.
Theo bà Trang, xét về tính tương thích, phần lớn các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật đều tương thích với cam kết CPTPP mà đã được “nội luật hóa”. Thậm chí một số quy định có nội dung vượt chuẩn cam kết, thực hiện ở mức cao hơn so với yêu cầu hoặc với lộ trình sớm hơn (chủ yếu liên quan tới quy trình đấu thầu gói thầu CPTPP). Chỉ có một trường hợp quy định chưa đủ để bảo đảm thực thi các cam kết CPTPP trên thực tế (về lao động), do đó cần được điều chỉnh để đảm bảo tuân thủ.
Tại Hội thảo, Ông Ngô Chung Khanh – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương và Ông Cao Xuân Phong - Trưởng Ban Nghiên cứu Pháp luật quốc tế - Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, đã chia sẻ những thông tin hữu ích về công tác XDPL thực thi các FTA nói chung và CPTPP nói riêng từ góc độ của các cơ quan Nhà nước và trong định hướng pháp luật của Việt Nam. Ông Trần Hữu Huỳnh – Chủ tịch Uỷ ban Tư vấn chính sách Thương mại quốc tế VCCI đặt ra vấn đề làm sao có thể XDPL vượt lên trên cam kết để cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập hiệu quả. Bà Phạm Chi Lan, Nguyên Phó Chủ tịch VCCI, lại nhấn mạnh các thách thức thể chế và giải pháp để tiếp tục thực thi hiệu quả CPTPP ở Việt Nam trong bối cảnh Anh, Trung Quốc và một số đối tác mới muốn tham gia Hiệp định này.
Hội thảo và Báo cáo nghiên cứu về hoạt động XDPL thực thi CPTPP nằm trong chuỗi các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về CPTPP và các FTA của VCCI. Trong thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thông tin về nội dung cam kết và tình hình thực thi các FTA của Việt Nam nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như các cơ quan nhà nước có liên quan trong quá trình thực thi các Hiệp định này nhằm đem lại lợi ích tối đa cho nền kinh tế của Việt Nam.
Bảo Bảo