Việc ký kết FTA với Thụy Sĩ sẽ mở ra những cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp Việt Nam

16:33 07/12/2021

Đây cũng chính là nhận định về những tiềm năng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt và Thụy Sĩ trong bối cảnh hậu đại dịch của ông Werner Gruber, Trưởng bộ phận hợp tác quốc tế Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam (SECO) khi chia sẻ với phóng viên Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập. Ông cũng đánh giá rằng, mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường tiềm năng và địa điểm đầu tư tin cậy.

ông Werner Gruber, Trưởng bộ phận hợp tác quốc tế Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam

Ông Werner Gruber, Trưởng bộ phận hợp tác quốc tế Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ tại Việt Nam. Ảnh: Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

Viêt Nam còn nhiều tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường Thụy Sĩ

Đầu tư của Thụy Sĩ hiện nay chủ yếu tập trung vào các ngành xây dựng, văn hóa, y tế, giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ du lịch tại nhiều địa phương của Việt Nam. Kể từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến thương mại song phương giữa hai nước. Trong 10 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu giữa hai nước đạt 706,3 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 184,7 triệu USD và nhập khẩu đạt 521,6 triệu USD.

Thụy Sĩ là một trong số ít các nước Tây Âu duy trì viện trợ phát triển và hợp tác kinh tế đối với Việt Nam trong suốt 3 thập kỷ qua với tổng tài trợ lên tới 600 triệu USD, đóng góp hiệu quả cho phát triển kinh tế-xã hội và hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Tháng 3 vừa qua, Thụy Sĩ công bố Chương trình hợp tác phát triển với Việt Nam giai đoạn 2021-2024 với số vốn ODA khoảng 85 triệu USD.

Từ phía Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu thành công nhiều mặt hàng sang Thụy Sĩ. Xuất khẩu sang Thụy Sĩ vào năm 2020 lên tới 2,7 tỷ CHF (tương đương 2,9 tỷ đô la Mỹ). Ông Werner Gruber nhận định: "Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam trong năm 2020 là kim loại quý, sản phẩm điện tử, dệt may và giày dép, cũng như các sản phẩm thủy sản. Tôi đánh giá Viêt Nam còn rất nhiều tiềm năng để xuất khẩu sang thị trường Thụy Sĩ".

"Thế nhưng có một thực tế rằng, thật không may, nhiều công ty có quy mô nhỏ và vừa trong nước thường không đủ năng suất, không thể đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng và không có kiến thức để kết nối xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Chính vì lẽ đó mà Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sĩ, thuộc Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ tại Việt Nam chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường khả năng cạnh tranh và dễ dàng tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu", đại diện SECO chia sẻ. 

Doanh nghiệp Thụy Sĩ vẫn sẽ hướng sự quan tâm đến các khoản đầu tư mới

Trong suốt gần 50 năm hợp tác, cộng đồng các nhà đầu tư Thụy Sĩ được đánh giá là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam. Hướng tới năm 2022, chia sẻ về kỳ vọng hợp tác giữa foanh nghiệp Thụy Sĩ và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, ông Werner Gruber cho rằng: "Xuất khẩu của Việt Nam, quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Covid-19 sang thị trường Thụy Sĩ dự kiến sẽ nhanh chóng phục hồi trở lại. Ngoài ra, động lực quan trọng cho xúc tiến thương mại giữa 2 nước có thể được đẩy mạnh hơn từ việc ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Khối EFTA mà Thụy Sĩ là thành viên. Hiệp định này sẽ giúp giảm thuế đối với các sản phẩm công nghiệp cũng như nông sản và cải thiện tính chắc chắn về mặt pháp lý cho cả nhà sản xuất và nhà đầu tư, mang lại những cơ hội kinh doanh mới cho các doanh nghiệp Việt Nam". 

Trong suốt gần 50 năm hợp tác, cộng đồng các nhà đầu tư Thụy Sĩ được đánh giá là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam
Trong suốt gần 50 năm hợp tác, cộng đồng các nhà đầu tư Thụy Sĩ được đánh giá là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam.

Có thể nói, sức mạnh tổng hợp giữa nền kinh tế năng động cũng như quy mô lớn của Việt Nam và thế mạnh của Thụy Sĩ trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới có thể thúc đẩy cấp độ hợp tác cùng có lợi tiếp theo vì lợi ích phát triển bền vững và thuận lợi cho cả hai nước.

"Cộng đồng doanh nghiệp Thụy Sĩ rất vui mừng vì các cuộc đàm phán FTA đã đạt được tốc độ nhanh chóng kể từ khi ông Ignazio Cassis, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Thụy Sĩ thăm Hà Nội vào tháng 8 năm ngoái và hy vọng chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Thụy Sĩ sẽ thúc đẩy hơn nữa tiến trình này", ông Werner Gruber chia sẻ. 

Hai nước đến nay đã hợp tác chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và các tổ chức quốc tế. Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế song phương đã có bước phát triển mạnh mẽ với kim ngạch thương mại hằng năm đạt 2 tỷ USD.

Khoảng 140 công ty Thụy Sĩ bao gồm các tên tuổi hàng đầu thế giới như Nestle, ABB, Novartis, Roche, Zuellig Pharma, Holcim, Schindler ... đã kinh doanh thành công tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD, đưa Thụy Sĩ trở thành nhà đầu tư châu Âu lớn thứ sáu tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Thụy Sĩ có mặt tại Việt Nam đã tạo ra hơn 20.000 việc làm.

Đối với năm 2022, ông Werner Gruber tin rằng, các doanh nghiệp Thụy Sĩ vẫn sẽ hướng sự quan tâm đến các khoản đầu tư mới và một số công ty vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam bất chấp những khó khăn từ cuộc khủng hoảng Covid-19. "Trong mắt họ, Việt Nam có một vị trí chiến lược tốt, có một nền kinh tế cởi mở, chi phí sản xuất thấp và lực lượng lao động chất lượng cao, được đào tạo khá tốt. Đồng thời, các khoản đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp Thụy Sĩ là kênh chuyển giao công nghệ quan trọng. Họ cũng đóng góp vào sự phát triển kỹ năng của lực lượng lao động và đưa ra các tiêu chuẩn về quản trị, trách nhiệm doanh nghiệp và điều kiện làm việc. Ngoài ra, khi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài này mở rộng hợp tác kinh doanh tại Việt Nam, sẽ có tác động lan tỏa ngày càng tăng đến nền kinh tế trong nước, góp phần vào sự phát triển kinh tế hiệu quả hơn, bao trùm và bền vững hơn", đại diện SECO nhận định.

Bảo Bảo