Nằm ở cánh đồng nơi tiếp giáp giữa làng Văn Thai và làng Nghĩa Phú, ngôi đền không bị thứ gì che khuất, xung quanh được trồng nhiều loại cây xanh tốt, Đền Bia nổi tiếng là di tích tôn nghiêm và linh ứng. Nơi đây thờ Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh, được người đời phong là ông Thánh thuốc Nam, có công đặt nền tảng cho nền y dược học cổ truyền của nước nhà. Sinh thời, cụ Tuệ Tĩnh là người học giỏi, đỗ đạt cao nhưng không ra làm quan mà chỉ theo đuổi chí hướng chữa bệnh cứu người bằng thuốc Nam. Cụ đã để lại những tác phẩm đồ sộ như: Hồng nghĩa giác tư y thư, Nam dược Thần hiệu lưu truyền 580 vị thuốc nam và 3783 phương thuốc nam trị 184 loại bệnh. Cụ cũng đề ra nhiều phương pháp khác nhau để chữa bệnh như châm cứu, chườm, xoa bóp, hơ, xông… Vì tài y thuật xuất chúng, cụ bị đưa đi cống cho triều đình nhà Minh (Trung Quốc). Sang Trung Quốc, cụ tiếp tục nghề thuốc và được vua Minh phong là Đại y Thiền sư. Cụ mất ở Giang Nam. Trên tấm bia mộ danh y, khắc chữ: “Sau này ai bên nước Nam sang, nhớ cho hài cốt tôi về với”.
Theo sử sách, năm 1990, Tiến sĩ Nguyễn Danh Nho là người cùng quê với Tuệ Tĩnh, đi sứ và viếng mộ cụ. Cảm động trước tấm lòng hướng về quê hương của bậc đại danh y, vị Tiến sĩ đã cho người dập mẫu tấm bia mang về nước. Thuyền về đến quê ông là nơi dựng Đền Bia ngày nay, gặp mưa lớn, bị lật, tấm bia bị rơi xuống nước. Đến khi nước cạn, người dân địa phương tìm thấy bia và ở đây nổi lên doi đất hình con dao cầu thái thuốc nam nên đã lập miếu thờ. Về sau, đến năm 1936 nhân dân địa phương xây đền thờ, tạc tượng, đúc chuông, thờ tấm bia và thờ vị Thánh thuốc nam. Trong đền lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị và đặc biệt là tấm bia thời Lê, di vật kỷ niệm của vị đại danh y, được nhân dân địa phương coi như báu vật.
Trong tâm linh và ý thức của người Việt bao đời nay, Đền Bia là nơi linh ứng để xin lộc cầu an, cầu sức khỏe. Tương truyền, vào ngày mùng 1 tháng 4 âm lịch năm 1846, ngày cụ hiển thánh, nhân dân khắp nơi nô nức về lễ bái, xin thuốc. Từ đó, ngày mùng 1 tháng 4 âm lịch hàng năm là ngày Đền mở hội truyền thống để tri ân vị Thánh y.
Ngày 10/3/1994 đền Bia được xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Năm 2003 dự án trùng tu đền Bia đã được phê duyệt. Ngày nay đền Bia là một công trình khang trang bề thế. Tổng diện tích gần 4ha gồm khu thờ tự và khu y xá được xây dựng theo kiến trúc thời Nguyễn với vật liệu hoàn toàn bằng gỗ lim và gạch Bát Tràng.
Đền Bia được xây dựng theo kiểu tiền nhất Hậu chữ Đinh, mặt tiền quay ra hướng Bắc. Đền mang một công trình khang trang bề thế với diện tích 4 hecta, được phân thành 3 khu vực.
Khu thờ tự gồm 5 công trình: Tam quan, nhà thuỷ đình, nhà tả vu và hữu vu, tiền tế và hậu cung, tổng số 23 gian, còn lại là sân vườn, tường bao và cổng.. Khu y xá gồm 3 công trình: Nhà bắt mạch kê đơn thuốc, nhà bốc thuốc và nhà chẩn trị, mỗi công trình 5 gian. Ngoài ra còn có nhà từ tâm dùng đón tiếp khách.
Trong khán thờ tượng Tuệ Tĩnh, bức ượng đúc bằng đồng ngồi trên ngai, đầu đội khay, mắt sáng râu dài, hai tay chắp trước ngực, mặc áo thêu hình rồng.
Trong đền treo đôi câu đối ca ngợi Tuệ Tĩnh: Hoàng giáp phương danh đằng Bắc địa/ Thánh sư diệu dược trấn Nam bang (Thi đậu Hoàng giáp tiếng lừng lẫy đất Bắc/Chữa bệnh thần diệu tài quán nước Nam)
Một trong những điều làm nên sự đặc biệt cho di tích Đền Bia chính là sự hiện diện của vườn thuốc nam nơi đây. Vườn thuốc vốn được hình thành từ việc người dân vì tưởng nhớ đến công lao và các bài thuốc nam của cụ Tuệ Tĩnh mà tìm các cây thuốc có trong bài thuốc của cụ về trồng tại đền. Cùng với việc bảo tồn, giữ gìn những công trình thờ tự, địa phương đã và đang tiếp tục đầu tư để nâng cấp về cơ sở vật chất đền, đặc biệt là cải tạo vườn thuốc nam ở đây bằng kinh phí từ nguồn tiền công đức của nhân dân.
Lễ hội truyền thống Đền Bia diễn ra trong 2 ngày 30/3 và 1/4 âm lịch hằng năm, có sức hút rất lớn đối với nhân dân và khách thập phương. Du khách đến đây không chỉ để chiêm ngưỡng cảnh quan của đền mà còn muốn tỏ lòng thành kính và tri ân tới Đức Thánh Tuệ Tĩnh, cầu cho quốc thái dân an, nhân dân ấm no, hạnh phúc
Nguyễn Lương