Về đất Tây Đô thăm ngôi chùa cổ

18:35 17/02/2021

Thái Bình Tự (Chùa Bèo) là ngôi chùa cổ, linh thiêng, nằm ven chân núi tọa lạc ở làng Bèo, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đã bao đời nay chùa làng Bèo trở thành địa chỉ tâm linh quen thuộc của phần đông bà con Phật tử xa gần.

Buổi lễ phóng sinh tại chùa Bèo

Buổi lễ phóng sinh tại chùa Bèo.

Làng Bèo có ba dòng họ lớn là Đinh, Trần và Nguyễn, nằm ở phía Đông Thành Nhà Hồ. Ngôi làng nhỏ nhắn, xinh đẹp, tựa lưng vào núi Bèo, trước mặt là cánh đồng lúa bao la rộng lớn, được bao bọc bởi dòng sông Bưởi hiền hòa, thơ mộng. Làng Bèo khác với nhiều làng quê khác là có hai con đê trải dài tít tắp để ngăn nước mùa mưa lũ. Cùng với sự phát triển của xã hội, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phong trào xây dựng nông thôn mới, làng đã đổi thay nhiều. Song, những dấu ấn văn hóa đặc trưng của một ngôi làng Việt Nam vẫn được giữ gìn và tỏa sáng. 

Chùa Bèo là một ngôi chùa cổ nằm trong quần thể di tích gồm đình (thờ Thành Hoàng Làng), nghè (thờ Thánh), phủ (thờ Mẫu), chùa (thờ Phật),… trong đời sống tinh thần và văn hóa tín ngưỡng hết sức phong phú của nhân dân xã Vĩnh Long. Nơi đây, cả ngày lẫn đêm khói hương nghi ngút, ai nấy đều nghiêm trang, thành kính thắp nên những nén nhang và lễ bái cầu mong cho một năm mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc.

Đến nay chưa có một tài liệu nào ghi chép về sự ra đời của ngôi chùa. Theo các cụ cao niên kể lại chùa làng Bèo được xây dựng cùng với việc xây dựng kinh đô Thành Nhà Hồ vào cuối thế kỷ XIV. Đầu tiên, chùa được xây dựng ở cánh đồng Khua Cụ. Nhưng đây là vùng trũng, thường xuyên lũ lụt nên đến năm 1945, chùa được chuyển đến vị trí như hiện nay. Hệ thống tượng thờ trong chùa, đặc biệt là các pho tượng cổ là những hiện vật quý giá, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về một giai đoạn phát triển văn hóa mỹ thuật của dân tộc.

Sư trụ trì Thích nữ Thiện Định trong buổi lễ đầu năm Tân Sửu
Sư trụ trì Thích Nữ Thiện Định trong buổi lễ đầu năm.

Trước và sau cách mạng tháng Tám, chùa Bèo có sư trụ trì. Sau đó, do những điều kiện lịch sử, các nhà sư phải di chuyển đến nơi khác, chùa Bèo được các bà vãi ở làng trông coi và hương khói. Trong quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Vĩnh Long nói riêng, huyện Vĩnh Lộc nói chung, ngôi chùa Bèo là địa điểm tập hợp các đội tự vệ cứu quốc, góp phần vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc.

Chùa Bèo có kiến trúc quy mô gồm: Nhà tiền đường 5 gian máy cong, sân Thiên tỉnh, Hậu cung. Chùa gồm ba gian làm bằng gỗ quý. Hiện nay, tuy không còn diện mạo về kiến trúc cũ nhưng mặt bằng tổng thể được bố trí giống như ngôi chùa thời Lê.

Đoàn nhà sư và phật tử chùa làng Bèo tham gia ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lụt năm 2020
Đoàn nhà sư và phật tử chùa làng Bèo tham gia ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lụt năm 2020.

Điều đặc biệt là đến nay chùa làng Bèo còn gìn giữ được 9 pho tượng cổ gồm: Tam thế, Vua cha Ngọc hoàng, Nam tào, Bắc đẩu, Thích ca, Đức ông, Thổ địa. Các pho tượng này đều được làm bằng gỗ, có kích thước phù hợp với ngôi chùa. Ba pho tượng Tam thế có kích thước và hình dáng giống nhau, tóc xoắn ốc, tai dài, ngực có chữ Vạn, trên mình có hàng kim rực rỡ, mặt tròn đầy như mặt Nguyệt, đều đặt ngồi trên tòa sen. Tượng Ngọc Hoàng diễn tả ở tư thế ngồi, hai tay chắp trước ngực, đầu đội mũ bình thiên, tai to, dâu dài, mặc áo long cổn. Tượng Thích Ca sơ sinh tạc theo tư thế một tiểu Nhi đứng trên hoa sen, tay phải chỉ lên trời, tay trái chỉ xuống đất. Theo Phật thoại thì khi mới ra đời Ngài đi liền bảy bước trên bảy bông hoa sen và nói “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”,…

Hiện chùa đang được xây dựng thêm khu mới trên đỉnh núi Bèo để có nơi gây dựng lại ngôi Tam Bảo, nhà thờ Tổ, nhà Tăng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của bà con phật tử ngày càng đông.
Hiện chùa đang được xây dựng thêm khu mới trên đỉnh núi Bèo để có nơi gây dựng lại ngôi Tam Bảo, nhà thờ Tổ, nhà Tăng nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh tín ngưỡng của bà con phật tử ngày càng đông.

Phật bà nghìn mắt nghìn tay là vị Bồ tát đôn hậu, quảng đại từ bi, luôn thấu hiểu nỗi khổ của chúng sinh, để rồi ra tay cứu vớt, được mọi người thường xuyên kêu cầu. Tượng tạc với dáng vẻ đơn giản nhưng trang nhã, mượt mà. Thế tượng đứng, cánh tay sếp tương ứng hợp lý, cân đối ở hai bên. Cánh tay tròn, nõn nà, đôi tay chính phía trước đặt trên ngực kết ấn (liên hoa), đôi tay phía dưới kết ấn (tam muội). Trong nhà Tiền đường còn có hai tượng Hộ pháp là tượng Khuyến thiện và tượng Trừng ác. Đây là những vị thần có sứ mạng bảo vệ Phật pháp.

Có thể nói ý nghĩa và ảnh hưởng của Phật giáo ở ngôi chùa Bèo chính là sợi dây tâm linh, là nơi hội tụ giữa đạo và đời như lời Phật hoàng Trần Nhân Tông đã dạy “Lấy Đạo tạo Đời”. Với người dân xã Vĩnh Long và các xã lân cận, ngôi chùa làng Bèo chính là địa chỉ tâm linh quen thuộc đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng thờ Phật của quần chúng.

Trong mùa lễ hội xuân Tân Sửu này nhà chùa không tổ chức tu tập đông người, thực hiện khuyến cáo “5k”của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch”
Trong mùa lễ hội xuân Tân Sửu này nhà chùa không tổ chức tụ tập đông người, thực hiện khuyến cáo “5k”của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch.

“Về làm sư Trụ trì chùa làng Bèo là bổn phận và trách nhiệm của người xuất gia với nhà chùa cũng như các cơ sở chùa chiền trong cả nước, năm 2020, do dịch bệnh Covid-19, chùa Bèo đã thực hiện nghiêm túc việc đóng cửa, thực hiện giãn cách xã hội, cùng với chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Long đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh được an toàn. Trong mùa lễ hội xuân Tân Sửu này, nhà chùa không tổ chức tu tập đông người, thực hiện khuyến cáo “5k”của Bộ Y tế để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch”, Sư trụ trì chùa Bèo Thích Nữ Thiện Định chia sẻ.

Từ bao đời nay chùa làng Bèo là nơi thờ cúng, nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng, nơi nuôi dưỡng bản sắc văn hóa địa phương. Chốn linh thiêng này được xây dựng giữa lòng nhân thế không nằm ngoài mục đích đưa con người ta trở về với chánh đạo, đem lại đời sống an lạc và xóa dần những đau thương của cuộc đời. Được biết, hiện nhà chùa đang nhận nuôi dưỡng 2 trẻ mồ côi không nơi nương tựa là bé Trịnh Hiền Thanh Tâm và bé Trịnh Hiền Thanh.

Minh Hiền