Bài liên quan |
Vật liệu xây dựng "xanh": Xu hướng phát triển bền vững |
Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và hiện thực hóa các cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, vật liệu xây dựng xanh được xem là một trong những yếu tố then chốt góp phần định hình các công trình tương lai thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh sự quan tâm của Chính phủ và một số chính sách hỗ trợ ban đầu, việc phát triển và ứng dụng vật liệu xây dựng xanh vẫn còn gặp nhiều trở ngại.
Tại hội thảo “Phát triển vật liệu xanh – Thực trạng và xu hướng tiếp cận” tổ chức chiều 14/5 tại Đà Nẵng, các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp trong ngành xây dựng đã cùng thảo luận về những thách thức cốt lõi đang cản trở sự phát triển bền vững của vật liệu xanh, đồng thời đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy ứng dụng loại vật liệu này trên diện rộng trong thời gian tới.
![]() |
Vật liệu xây dựng xanh: Vượt qua rào cản để phát triển bền vững |
Một trong những rào cản lớn nhất, theo ông Đặng Việt Dũng – Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam – là sự thiếu hụt thông tin minh bạch và hệ thống tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chưa đồng bộ. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được bộ tiêu chí đầy đủ và thống nhất về nhãn xanh, nhãn sinh thái hay tiêu chuẩn phân loại vật liệu thân thiện với môi trường. Điều này dẫn đến tình trạng lẫn lộn giữa hàng thật và hàng giả, khiến người tiêu dùng khó phân biệt đâu là sản phẩm thực sự thân thiện với môi trường, đâu là “giả xanh”.
Sự nhập nhèm này không chỉ khiến người tiêu dùng mất niềm tin mà còn khiến các nhà sản xuất vật liệu xây dựng xanh chân chính gặp khó trong việc chứng minh giá trị sản phẩm và bảo vệ thương hiệu. Việc thiếu các quy định cụ thể về trách nhiệm môi trường trong sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng cũng làm chậm lại tiến trình chuyển đổi xanh trong lĩnh vực xây dựng.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh – Chủ tịch Chi hội Vật liệu xây dựng Môi trường và Tài nguyên – hiện Việt Nam chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan có thẩm quyền về trình tự, thủ tục đánh giá, chứng nhận các sản phẩm vật liệu xây dựngtiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Đồng thời, chưa có quy định bắt buộc về dán nhãn cho các sản phẩm sử dụng năng lượng trong xây dựng, gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng thị trường.
Bên cạnh đó, trình độ công nghệ, nguồn nhân lực, thiết bị, kỹ thuật xây dựng cũng còn nhiều hạn chế. Điều kiện tiện nghi công trình tại nhiều khu vực, đặc biệt là miền Trung, vẫn ở mức thấp so với tiêu chuẩn xây dựng xanh quốc tế. Đáng chú ý, cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng và vận hành đáp ứng tiêu chí "net zero" – phát thải ròng bằng 0 trong suốt vòng đời công trình.
Những bất cập trên đang đặt ra thách thức lớn trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết với quốc tế về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời hướng tới một nền kinh tế carbon thấp trong tương lai.
![]() |
Việt Nam đã cam kết với quốc tế về mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời hướng tới một nền kinh tế carbon thấp trong tương lai. |
Một trở ngại không kém phần quan trọng là nhận thức của người tiêu dùng về vật liệu xây dựng xanh còn chưa sâu sắc. Phần lớn người mua hiện nay vẫn ưu tiên lựa chọn sản phẩm dựa trên mẫu mã, giá cả hoặc độ bền vật lý mà chưa chú trọng đến yếu tố bảo vệ môi trường hay lợi ích sức khỏe. Sự thiếu hiểu biết về vai trò, tính năng và hiệu quả dài hạn của vật liệu xanh khiến thị trường chưa đủ lực để tạo nên cú hích cần thiết cho sự chuyển đổi từ vật liệu truyền thống sang vật liệu thân thiện với môi trường.
Từ phía doanh nghiệp, việc đầu tư vào sản phẩm vật liệu xây dựng xanh hiện vẫn gặp nhiều rủi ro do thị trường chưa rõ ràng, chi phí sản xuất còn cao trong khi sức mua chưa đủ mạnh. Điều này khiến không ít nhà sản xuất dè dặt trong việc mở rộng sản xuất hoặc phát triển sản phẩm mới theo hướng thân thiện môi trường.
Trước yêu cầu cấp bách phải cắt giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn, một số địa phương đã bắt đầu có động thái tích cực. Đơn cử như Sở Xây dựng Đà Nẵng đang triển khai hướng dẫn các đơn vị trên địa bàn thực hiện đánh giá và xây dựng kế hoạch hành động theo các tiêu chí giảm phát thải. Đây được coi là bước khởi đầu cần thiết để các doanh nghiệp, chủ đầu tư chủ động nghiên cứu, lựa chọn và áp dụng các loại vật liệu xây dựng xanh phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả năng lượng và giảm thiểu tác động đến môi trường trong suốt vòng đời công trình.
Tuy nhiên, để tạo đột phá thực sự, cần thiết phải có một khung pháp lý đồng bộ hơn, bao gồm cả tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế đánh giá – chứng nhận đáng tin cậy, chính sách ưu đãi về thuế và tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, phân phối vật liệu xây dựng xanh. Đồng thời, chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng cần được thực hiện mạnh mẽ hơn, giúp người tiêu dùng hiểu rõ rằng mỗi lựa chọn vật liệu không chỉ ảnh hưởng đến công trình mà còn góp phần xây dựng tương lai bền vững cho xã hội.