Bài liên quan |
Tổng cục Thuế gửi văn bản về hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp cao su |
Ngành gỗ đối diện vấn đề hoàn thuế VAT |
Đã quyết định hoàn thuế VAT với tổng số tiền trên 21 nghìn tỷ đồng |
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn tới Tổ công tác Cải cách Thủ tục Hành chính của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính nhằm báo cáo về tình hình sản xuất, xuất khẩu và những bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách cũng như thủ tục hành chính mà các doanh nghiệp thủy sản gặp phải trong 11 tháng đầu năm 2024. Một trong những vấn đề nổi cộm được VASEP nhấn mạnh là vướng mắc liên quan đến thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), gây ảnh hưởng tiêu cực đến dòng tiền và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Theo phản ánh của VASEP, vấn đề thuế VAT đầu vào của hoạt động đầu tư các dự án mới chưa được hoàn phát sinh từ sự thiếu rõ ràng trong các văn bản pháp luật hiện hành so với các quy định hướng dẫn trước đó. Điều này dẫn đến tình trạng tồn đọng thuế giá trị gia tăng từ việc mua sắm tài sản cố định thuộc các dự án đầu tư mới. Mặc dù quy định về hoàn thuế VAT đối với dự án đầu tư đã được thực hiện từ năm 1999 và được quy định cụ thể trong Luật Thuế giá trị gia tăng số 106/2016/QH13, nhưng thực tế triển khai lại bị cản trở bởi cách hiểu và vận dụng không đồng nhất giữa các cơ quan thuế địa phương.
![]() |
VASEP kiến nghị gỡ vướng thủ tục hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp thủy sản. |
Một số cục thuế đã tạm dừng hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với hoạt động đầu tư dựa trên định nghĩa “dự án đầu tư mới” tại Khoản 6 Điều 3 Luật Đầu tư. Theo quy định này, “dự án đầu tư mới” được hiểu là dự án đầu tư thực hiện lần đầu hoặc là dự án đầu tư độc lập với các dự án đang hoạt động. Dựa trên định nghĩa này, các cục thuế địa phương khẳng định rằng, những dự án đã đi vào hoạt động nhưng có thêm đầu tư mở rộng không thuộc diện được hoàn thuế. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp đã đồng ý hoàn thuế theo tỷ lệ doanh thu xuất khẩu hoặc theo kỳ quyết toán nhưng vẫn không được giải quyết do trước đó đã khai thuế VAT đầu vào thuộc hạng mục đầu tư.
Việc diễn giải luật chưa đồng bộ và sự mâu thuẫn giữa các quy định về thuế và đầu tư đã khiến nhiều doanh nghiệp thủy sản bị tồn đọng hàng chục tỷ đồng thuế VAT đầu vào. Đặc biệt, một số cơ quan thuế còn từ chối hoàn thuế với lý do doanh nghiệp bắt đầu phát sinh doanh thu, mặc dù các dự án này vẫn trong giai đoạn cân chỉnh và hoàn thiện, chưa đạt đến trạng thái hoạt động ổn định. VASEP nhấn mạnh rằng, không có quy định pháp luật nào định nghĩa việc phát sinh doanh thu đồng nghĩa với việc dự án đã hoàn tất. Theo thực tiễn và quy định hiện hành, các dự án đầu tư, nhất là những dự án mới hoàn toàn, thường có giai đoạn thử nghiệm, cân chỉnh máy móc thiết bị trước khi đạt hiệu quả vận hành.
VASEP nhận định rằng, những vướng mắc trong việc áp dụng và diễn giải luật đã tạo nên áp lực lớn về dòng tiền, đồng thời làm gia tăng chi phí tài chính và lãi suất cho doanh nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn rõ ràng, thống nhất về quy định hoàn thuế giá trị gia tăng, áp dụng linh hoạt đối với cả dự án đầu tư mới lẫn dự án mở rộng. Hiệp hội cũng đề xuất các cục thuế địa phương nhanh chóng xử lý các khoản thuế tồn đọng dựa trên nguyên tắc phù hợp với thực tế và luật pháp, qua đó giải phóng nguồn lực tài chính và hỗ trợ doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất, xuất khẩu.
VASEP khẳng định, việc giải quyết vấn đề hoàn thuế không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn tài chính mà còn góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho ngành thủy sản phát triển bền vững. Đây cũng là yếu tố quan trọng để duy trì năng lực cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế trong bối cảnh các doanh nghiệp đang nỗ lực phục hồi và mở rộng hoạt động kinh doanh.