Vấn đề tạm cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái

17:16 24/03/2021

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trên địa bàn tỉnh. Theo quy định này, hạn mức cho thuê môi trường rừng tối thiểu là 10ha, tối đa là 100ha với thời gian cho thuê tối đa không quá 30 năm.

Theo Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 22/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng Quy định tạm thời cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí thì chủ rừng cho thuê là các ban quản lý rừng, vườn quốc gia, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp.Đối tượng được thuê là mọi tổ chức, cá nhân trong nước có nguồn lực và nhu cầu thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Theo quy định này, tỉnh Lâm Đồng cũng đề ra 6 nguyên tắc cho thuê môi trường rừng như: vừa đảm bảo thực hiện tốt quản lý, bảo vệ rừng, vừa phát huy hiệu quả môi trường rừng, tăng thu nhập cho tổ chức, cá nhân, nhà nước. Việc cho thuê rừng phải phù hợp với phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí của đơn vị chủ rừng đã được phê duyệt. Tỷ lệ tác động xây dựng công trình có mái che phục vụ hoạt động kinh doanh tùy thuộc diện tích đất trống và diện tích thuê. Cụ thể với diện tích từ 10-30ha, tỷ lệ công trình mái che không quá 3% tổng diện tích thuê, diện tích thuê từ 30-60ha thì tỷ lệ công trình không quá 2,5%... Với trường hợp có từ 2 tổ chức, cá nhân trở lên cùng đề nghị thuê một địa điểm thì sẽ tổ chức đấu giá cho thuê môi trường rừng…

Cũng theo quy định này, mức giá cho thuê môi trường rừng do các bên tự thỏa thuận, nhưng không thấp hơn 1,5% tổng doanh thu thực hiện trong năm của bên thuê. Tiền thu được từ hoạt động cho thuê là nguồn thu của nhà nước, đồng thời được cân đối và trích tỷ lệ phù hợp, cấp lại cho chủ rừng để hoạt động quản lý việc cho thuê môi trường rừng.

Thẩm quyền các dự án này do Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trên cơ sở kết quả thẩm định và đề xuất của Hội đồng thẩm định…

Được biết, trong những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã trở thành “thủ phủ” của du lịch canh nông, du lịch dưới tán rừng, sau khi những chính sách của địa phương khuyến khích đầu tư loại hình du lịch mới mẻ này.

Không chỉ riêng Lâm Đồng, hiện nay, có nhiều cơ chế, sáng kiến đa dạng hóa nguồn đầu tư cho rừng đặc dụng đang được thí điểm và nhân rộng như chi trả dịch vụ môi trường rừng, hấp thụ carbon rừng (cung cấp dịch vụ công), kinh doanh du lịch sinh thái, cho thuê môi trường rừng, đầu tư phát triển cây dược liệu dưới tán rừng... Tuy nhiên, xu hướng này đang gặp phải nhiều tranh cãi. Theo ông Nguyễn Quốc Dựng, Viện Điều tra - Quy hoạch rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay khái niệm và phạm vi thuê rừng còn chưa rõ ràng. Điều này gây khó khăn cho các cấp, ngành địa phương khi triển khai.

“Trong quá trình xây dựng đề án cho thuê môi trường rừng tại các tỉnh, các sở ngành địa phương không phân biệt thế nào là cho thuê môi trường rừng và chi trả cho dịch vụ môi trường rừng… Nguyên nhân là quy định hiện nay không rõ ràng, còn chồng chéo. Do đó, việc cho thuê môi trường rừng đến nay vẫn chưa có đề án chính thức, mới chỉ có thí điểm tại Vườn quốc gia Ba Vì, Cúc Phương, Bidoup – Núi Bà…”, ông Dựng nêu quan điểm. 

Đánh giá về vấn đề này, giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí do các bên tự thỏa thuận, không thông qua đấu thầu, nếu không có cơ chế phù hợp thì rất dễ bị biến tướng thành các dạng tham nhũng tài sản công hoặc “chiếm dụng xanh” (green-grabbing).

“Một số chủ đầu tư sẽ nhân danh mục tiêu bảo tồn nhưng lại tập trung vào mục tiêu thương mại và lợi nhuận thay vì lợi ích công. Trong khi việc định giá môi trường rừng đặc dụng còn chưa hiệu quả, nếu không có cơ chế hợp tác – kinh doanh rõ ràng thì chủ đầu tư và chủ rừng rất dễ có “thỏa thuận ngầm” để thuê môi trường rừng giá rẻ hơn rất nhiều so với giá trị thực”, giáo sư Võ cho hay.

Các chuyên gia cũng cho biết, việc xây dựng các cơ chế tài chính, mở rộng các nguồn đầu tư cho hệ thống rừng đặc dụng ở Việt Nam vẫn lấy mục tiêu bảo tồn hệ sinh thái thiên nhiên làm trọng tâm. Điều quan trọng là xây dựng cơ chế phù hợp để các nguồn thu sẽ quay trở lại bảo tồn sinh thái.

Lâm Nghi