Sau nhiều lần hòa giải, phiên tòa xét xử vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã diễn ra. "Tuyến ở đây là tuyến cuối cùng", ông Vũ đã nói như vậy trong phiên tòa chiều nay 21/2, và có lẽ “phòng tuyến cuối cùng” là hình ảnh mang đến nhiều hình dung cho cuộc tranh chấp giữa hai người.
Cả hai bên đã “lật ngửa” (có thể chưa phải tất cả) những “lá bài”, phương án đang có trong tay để giành được ưu thế tại tòa, giành phần thắng trong cuộc tranh chấp tài sản đã kéo dài nhiều năm.
Ẩn đằng sau đó là “cuộc chiến” nhằm nắm quyền chi phối tại tập đoàn sở hữu những thương hiệu cà phê hàng đầu Việt Nam.
Trong bài viết này, người viết muốn tập trung vào cuộc tranh chấp giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo ở một công ty không quá nổi nhưng giữ vai trò quyết định, là CTCP Đầu tư Trung Nguyên (Trung Nguyên Investment) - cái tên đứng đầu chuỗi sở hữu trong "hệ sinh thái" Trung Nguyên
Trung Nguyên Investment chính là cổ đông lớn nhất, chi phối 70% cổ phần CTCP Tập đoàn Trung Nguyên - hay vẫn được biết đến rộng rãi là Tập đoàn Trung Nguyên.
Về cơ bản, bên nào nắm quyền chi phối tại Trung Nguyên Investment cũng đồng nghĩa với việc chi phối hệ sinh thái cà phê tầm vóc quốc tế này.
Nên nhớ, không chỉ sở hữu về mặt cổ phần, Trung Nguyên Investment còn là chủ sở hữu trí tuệ tất cả các nhãn hiệu thuộc nhóm cà phê Trung Nguyên như: nhãn hiệu công ty, chuỗi quán cà phê, cà phê bột, cà phê hạt, cà phê tươi Trung Nguyên, cà phê hòa tan G7.
Vượt qua được “phòng tuyến cuối cùng” của đối phương tại tòa, cũng đồng nghĩa với việc thâu tóm được quyền lực của cả Tập đoàn Trung Nguyên. Chính vì vậy, những con số về tỷ lệ phân chia tài sản, tỷ lệ sở hữu cổ phần tại Trung Nguyên Investment chưa bao giờ được bàn luận và mang nhiều ý nghĩa đến thế.
Ảnh minh họa tỷ lệ sở hữu của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại những công ty chủ chốt của Tập đoàn Trung Nguyên. (Đồ thị: Đức Hải KAL) |
Nếu phân chia theo tỷ lệ 70/30
Trong phiên tòa buổi sáng, bên phía ông Vũ đã đưa ra lời đề nghị phân chia tỷ lệ 70/30 trên tổng số cổ phần hai vợ chồng có tại Trung Nguyên, tại tất cả các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn của Tập đoàn Trung Nguyên. Thật trùng hợp khi tỷ lệ phân chia sở hữu có phần tương đồng với tỷ lệ sở hữu của ông và những người thân trong gia đình tại Trung Nguyên Investment so với bà Lê Hoàng Diệp Thảo.Cụ thể, theo các luật sư, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đang sở hữu 60% cổ phần; mẹ (bà Lê Thị Ước) và các thành viên trong gia đình ông Vũ sở hữu 10%; số cổ phần còn lại (tương ứng với 30%) do bà Lê Hoàng Diệp Thảo nắm giữ. Tuy nhiên, vì là phân chia trên "trên tổng số cổ phần hai vợ chồng", thì có nghĩa sau chia, số cổ phần của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên Investment sẽ chỉ còn 27,498% (so với mức 30% hiện tại).Mà thực tế, kể cả có giữ nguyên như mức 30% hiện tại, bà Thảo sẽ khó lòng can thiệp vào việc điều hành, thậm chí sẽ không có quyền phủ quyết các quyết sách quan trọng tại Trung Nguyên Investment. Trong khi đó, ông Vũ (và những người thân trong gia đình) sẽ là cổ đông nắm giữ lượng cổ phần chi phối, giữ quyền kiểm soát tại Trung Nguyên Investment.Để hiểu rõ hơn giá trị mà 70% cổ phần tại Trung Nguyên Investment, cần tính toán đến tầm ảnh hưởng mà nó mang lại cho ông Vũ tại CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (tên viết tắt: TNG).Với 20% cổ phần đang nắm giữ trực tiếp tại CTCP Tập đoàn Trung Nguyên, cộng thêm với quyền chi phối thông qua Trung Nguyên Investment, ông Vũ sẽ vẫn chi phối, điều hành gần như toàn bộ tại CTCP Tập đoàn Trung Nguyên (hưởng lợi ích 69%, cả trực tiếp và gián tiếp). Bà Thảo, về cơ bản sẽ chỉ giữ vai trò cổ đông hưởng cổ tức (hưởng lợi ích 31%, cả trực tiếp và gián tiếp).Trường hợp tương tự cũng sẽ diễn ra tại Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê; Công ty TNHH Vũ Nguyên Đắc Nông và các công ty con mà Trung Nguyên Investment sở hữu lượng lớn cổ phần chi phối khác.Tất nhiên, lời đề nghị này bên phía ông Vũ đã bị nguyên đơn từ chối, đồng thời, phía bà Thảo cũng đưa ra một phương án có lợi cho mình.
Nếu phân chia theo tỷ lệ 51%
Cụ thể, đại diện của bà Thảo đề nghị chia cho bà Thảo 51% cổ phần trong Trung Nguyên Investment, 15% trong CTCP Tập đoàn Trung Nguyên, 7,5% CTCP Cà phê hòa tan Trung Nguyên. Trong đó, số cổ phần 15% có thể được hiểu là "cưa đôi" tổng số cổ phần mà bà Thảo (20%) và ông Vũ (10%) đang sở hữu tại CTCP Tập đoàn Trung Nguyên ((20%+10%)/2).Nhưng nếu tính kiểu "cưa đôi" thì tại sao không "cưa đôi" số cổ phần bà Thảo và ông Vũ sở hữu ở Trung Nguyên Investment (?!). Có vẻ như bà Thảo sẽ không thích phương án này (lý do sẽ được nêu ra ở khổ dưới).Để bảo vệ ý kiến đề xuất, đại diện phía bà Thảo cho rằng với tỷ lệ tối thiểu 51% tại Trung Nguyên Investment, hai bên sẽ có thể kiểm soát lẫn nhau và còn để chứng minh vai trò đóng góp ngang bằng, chính yếu.Tuy nhiên, căn cứ theo các con số, thì diễn biến tại Tập đoàn Trung Nguyên sẽ đảo ngược hoàn toàn.Thay vì ông Vũ, bà Thảo sẽ nắm cổ phần "quá bán" tại Trung Nguyên Investment, với 51%.Gián tiếp qua công ty này, cộng với sở hữu trực tiếp của cá nhân (15% - như đề xuất), bà Thảo sẽ nắm quyền chi phối tại CTCP Tập đoàn Trung Nguyên, đẩy nhóm ông Vũ xuống vai trò cổ đông thứ yếu. Diễn biến tương tự cũng sẽ diễn ra với các công ty khác mà Trung Nguyên Investment hay CTCP Tập đoàn Trung Nguyên nắm giữ cổ phần chi phối.Khi ấy, bà Thảo sẽ là người "cầm chịch" cuộc chơi tại các doanh nghiệp trong hệ sinh thái, chứ không phải ông Vũ.Một phương án khác cũng được phía bà Thảo đề nghị là việc chia 5% số cổ phần tại Trung Nguyên Investment cho mỗi người con (được cho là đứng về bà Thảo) cũng sẽ đem lại một kết quả bất lợi cho ông Vũ.Ở góc độ này, phần nào lý giải được việc ông Vũ cương quyết không chia cổ phần cho các con như bà Thảo mà chỉ đồng ý chia cho “vợ” tỷ lệ sở hữu 30%, thực hiện cấp dưỡng cho mỗi người con 10 tỷ đồng mỗi năm.
"Cưa đôi" thì thế nào?
Đến đây, nhiều độc giả hẳn cho rằng việc chia đôi tài sản, mỗi người một nửa sẽ là thỏa đáng hơn cả. Tuy nhiên, phương án này vẫn giữ cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ chiếm ưu thế trong việc giành quyền quản trị, điều hành doanh nghiệp.Trước tiên, đối với doanh nghiệp tối quan trọng Trung Nguyên Investment, loại trừ số cổ phần 1,66% ông Vũ kế thừa từ bố, số tài sản chung của hai vợ chồng tại Trung Nguyên Investment là 90% (gồm 60% của ông Vũ và 30% của bà Thảo). Vậy mỗi người khi này sẽ có 45%. Kết quả này sẽ đem lại lợi thế cho ông Vũ, bởi những người đứng về phía ông - là mẹ và chị gái - nắm giữ 10% còn lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc ông vũ sẽ sở hữu 55% vốn điều lệ, tương ứng với việc nắm giữ lượng cổ phần chi phối tại Trung Nguyên Investment. Nhưng với 45% cổ phần, bà Thảo sẽ có quyền phủ quyết được những quyết sách tại Trung Nguyên.Rõ ràng, nếu không có một bên chịu thỏa hiệp, tranh chấp giữa ông Vũ và bà Thảo sẽ không biết đến khi nào mới đến hồi kết.Dẫu vậy, cũng phải nhìn nhận rằng, phương án "cưa đôi" sẽ đem đến cho bà Thảo nhiều giá trị, chí ít là so với những gì hiện giờ bà Thảo đang có. Bỏ qua quyền chi phối doanh nghiệp, thì mỗi phần trăm tài sản được chia thêm đều có giá trị khổng lồ. Bởi như đã đề cập, khối tài sản chung của vợ chồng ông bà Vũ - Thảo đang được tạm định giá ở mức 8.400 tỷ đồng, gồm bất động sản, cổ phần, tiền mặt, ngoại tệ và vàng.Trước khi phiên tòa diễn ra, bà Thảo đã đề xuất chia tách tập đoàn Trung Nguyên hiện hữu thành 2 nhóm "Trung Nguyên" và "G7". Chi tiết của phương án này không được công bố cụ thể, nhưng việc phân chia những tài sản vô hình là các thương hiệu “Trung Nguyên” và “G7”, vốn là những tài sản có giá trị nhất của tập đoàn, là có thể thấy rõ.Tuy nhiên, xin nhắc lại cả 2 thương hiệu này đều do Trung Nguyên Investment sở hữu. Do vậy, đây cũng không phải là phương án tối ưu.Là những doanh nhân thực tài, đầy trải nghiệm thương trường và cùng nhận là có danh tiếng ở tầm quốc tế, rõ ràng các con số mà 2 phía bà Thảo và ông Vũ đưa ra đã phần nào chứng minh sự lọc lõi của chính họ./.
Phạm Duy