Ngày 15/9, các Bộ trưởng Thương mại Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhất trí nâng cao năng lực của chuỗi cung ứng các sản phẩm thiết yếu, trong đó có các khoáng sản, trong lúc xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn.
Các Bộ trưởng Thương mại các nước Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ, cùng với Liên minh châu Âu, trong tuyên bố sau cuộc họp tại Đức cho rằng, các cuộc khủng hoảng hiện nay đã thu hút sự chú ý đối với những tổn thương mang tính hệ thống, những rủi ro thường trực và các cú sốc dữ dội đối với các chuỗi cung ứng, điều đã đe dọa đến an ninh và tăng trưởng kinh tế.
Việc đa dạng hóa thương mại và mở rộng các quan hệ thương mại trên cơ sở mang lại lợi ích lẫn nhau là mấu chốt để các chuỗi cung ứng vận hành thông suốt và nâng cao khả năng ứng phó cũng như sự bền vững của các nền kinh tế.
Các nhà máy tại châu Âu và các nơi khác bắt đầu gặp phải các vấn đề về sản xuất vào những tháng đầu năm 2020, sau khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và gây ra những gián đoạn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, kết hợp với những hạn chế trong hoạt động logistics. Tình hình nghiêm trọng hơn sau khi nổ ra xung đột Nga-Ukraine vào cuối tháng 2/2022. Theo các Bộ trưởng, xung đột đã gây lo ngại về an ninh lương thực của các nước đang phát triển và kém phát triển.
Sau cuộc họp Ông Yasutoshi Nishimura - Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản phát biểu trước báo giới rằng việc củng cố các chuỗi cung ứng cần sự chung tay của các nền kinh tế phát triển và mới nổi, và việc mở rộng hợp tác trong khuôn khổ G7.
Huyền Vi (t/h)