Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu tầm nhìn năm 2030 -2050 xác định các nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh kinh tế biển và quy hoạch tích hợp đa ngành nghề.
Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa, sinh thái, ít phát thải carbon, bền vững, thích ứng với BĐKH. Trong đó, trọng tâm là nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị trong nước và quốc tế.
Lấy công nghiệp năng lượng sạch làm khâu đột phá trong khai thác lợi thế, tiềm năng sẵn có, tranh thủ cơ hội thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế để phát triển công nghiệp hiện đại trên địa bàn tỉnh; đổi mới công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm trong công nghiệp chế biến thủy sản, nông sản; tăng cường đồng bộ kết cấu hạ tầng công nghiệp gắn với vùng nguyên liệu và cụm ngành nông nghiệp, dịch vụ.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh và trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của vùng ĐBSCL.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, lưới điện, các khu - cụm công nghiệp của tỉnh đáp ứng nhu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Phát triển các ngành dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ thương mại (xuất khẩu và nội thương), tài chính, ngân hàng, logistic.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trở thành động lực của phát triển KT-XH và phát triển mạnh các thành phần kinh tế và doanh nghiệp.
Phát triển nhanh hệ thống đô thị trên cơ sở xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, từng bước hiện đại, kinh tế đô thị phát triển nhanh, là động lực thúc đẩy KT-XH toàn tỉnh phát triển gắn với thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần quan trọng vào phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nghèo bền vững; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân; phát triển văn hóa, thông tin - truyền thông, thể dục - thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng phong phú của Nhân dân. Quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực ứng phó hiệu quả với BĐKH, nước biển dâng và phòng chống thiên tai.
Để nâng cao chất lượng, tính khả thi và kế thừa, phát huy những kết quả đạt được của Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Bạc Liêu trong giai đoạn trước, trong quá trình lập Quy hoạch giai đoạn mới này, Bạc Liêu đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, mời các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học để xin ý kiến đối với nội dung Quy hoạch. Vì vậy, Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu đã được nghiên cứu công phu, nghiêm túc. Đồng thời, phân tích, xây dựng dựa trên hệ thống thông tin dữ liệu khá đầy đủ, đáng tin cậy về hiện trạng, tiềm năng và khả năng phát triển trong tương lai.
Báo cáo Quy hoạch tỉnh Bạc Liêu gồm 3 phần, 14 chương, thể hiện đầy đủ theo Điều 27 Luật Quy hoạch, Điều 28 Nghị định 37/2019/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch. Đây là bản Quy hoạch được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành, nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, phù hợp với quan điểm, định hướng Quy hoạch tổng thể của quốc gia, các quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp quốc gia, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã được phê duyệt và các quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp quốc gia đang được lập đồng thời. Cũng như, cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng - an ninh của vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Bộ Chính trị ban hành tại Nghị quyết 13/NQ-TW và đảm bảo tính liên kết, thống nhất, đồng bộ trong định hướng phát triển giữa các ngành, lĩnh vực thông qua việc xây dựng 27 nội dung đề xuất tích hợp vào Quy hoạch tỉnh.
PV (t/h)