Theo số liệu Tổng cục Thống kê, ước tính 6 tháng đầu năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 5,74% so cùng kỳ, đứng thứ 08/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 6,15%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 3,95% và khu vực dịch vụ tăng 6,11% so cùng kỳ.
Về sản xuất nông nghiệp, các huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng lịch thời vụ, chủ động ứng phó với các điều kiện thời tiết bất lợi, nhất là ứng phó với hạn mặn, cháy rừng trong mùa khô 2024; thực hiện tốt công tác điều tiết nước đảm bảo cung cấp kịp thời cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Trong 6 tháng đầu năm, tổ chức công nhận 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; lũy kế đến nay có 21 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao có; 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm, phát triển. Trong 6 tháng đầu năm, đã thực hiện hỗ trợ 4 đơn vị xây dựng hồ sơ tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 29 sản phẩm nhưng chưa có sản phẩm được công nhận. Đến nay có 132 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP (trong đó, có 99 sản phẩm đạt 3 sao và 33 sản phẩm đạt 4 sao).
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục tăng so với cùng kỳ, chủ yếu vẫn tập trung vào mặt hàng thủy sản; các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu vẫn duy trì tốt các thị trường xuất khẩu truyền thống để tăng kim ngạch xuất khẩu. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu ước 43.451,27 tấn thủy sản, đạt 38,55% kế hoạch, tăng 6,85% so cùng kỳ; muối ước 430,5 tấn, đạt 26,74% kế hoạch, tăng 72,4% so cùng kỳ; may mặc ước đạt 4,53 triệu sản phẩm; nông sản (ớt, đậu bắp) ước đạt 2.180,59 tấn. Kim ngạch xuất khẩu ước 463,91 triệu USD, đạt 40,05% so kế hoạch, tăng 9,55% so cùng kỳ (trong đó, tôm đông ước đạt 442,24 triệu USD, đạt 39,14% so với kế hoạch, tăng 6,99% so cùng kỳ).
Phát triển doanh nghiệp luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm; các chính sách về phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã được triển khai thực hiện kịp thời; đặc biệt với việc duy trì thực hiện Mô hình gặp gỡ, cà phê và điểm tâm sáng giữa lãnh đạo tỉnh với lãnh đạo các doanh nghiệp được tổ chức định kỳ hàng tháng bước đầu phát huy hiệu quả, nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp đã được lãnh đạo tỉnh nắm bắt và chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ, giúp doanh nghiệp hoạt động thuận lợi. Ước 6 tháng đầu năm, có 170 doanh nghiệp đăng ký mới, đạt 38,12% kế hoạch, tăng 03% so cùng kỳ, với vốn đăng ký là 1.590 tỷ đồng tăng gần 2 lần so cùng kỳ. Ước tính đến cuối tháng 6/2024, có 2.700 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với số vốn đăng ký là 40.000 tỷ đồng.
Về tình hình hoạt động của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) tiếp tục phát triển. Ước 6 tháng đầu năm, thành lập mới 14 HTX, đạt 70% kế hoạch, giảm 6,7% so cùng kỳ, vốn điều lệ đăng ký 2.899 triệu đồng. Đến cuối tháng 6, toàn tỉnh có 244 HTX (số thành viên HTX 26.202 người, vốn điều lệ đăng ký 296.481,6 triệu đồng) và 3 Liên hiệp HTX (với 31 thành viên, vốn điều lệ đăng ký là 3.628 triệu đồng).
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường; song được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ kịp thời của Trung ương; cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ, đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; cùng với sự phối hợp giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân tỉnh, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành và sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp chung sức vượt qua khó khăn, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng đầu năm đạt được nhiều kết quả trên nhiều lĩnh vực.
Các ngành, lĩnh vực kinh tế có sự phát triển và tăng khá so cùng kỳ: Sản lượng thuỷ sản tăng 6,52% (trong đó, sản lượng tôm tăng 13,34%); nông dân sản xuất lúa được mùa, trúng giá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 9,56% so cùng kỳ. Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục có bước phát triển; các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân được chuẩn bị chu đáo, mọi người, mọi nhà đều có khí thế vui tươi, đón chào năm mới với tinh thần đoàn kết, tiết kiệm và mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc. Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời nhất là trong dịp Tết Nguyên đán năm 2024.
Cải cách hành chính được tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện theo kế hoạch, nổi bật là Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI 2023) của tỉnh Bạc Liêu xếp thứ 5/63 tỉnh thành cả nước (tăng 01 bậc so với năm 2022) và xếp thứ 2/13 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Công tác cải cách tư pháp và phòng, chống tham nhũng, lãng phí được triển khai quyết liệt. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.
Với quyết tâm thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng của tỉnh năm 2024 là 9 - 10%, cũng như phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; các cấp, các ngành khẩn trương, kịp thời xây dựng, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến.
Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, các ngành quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, bảo đảm tiến độ, chất lượng các công việc được giao, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Kế hoạch đầu tư công năm 2025; chuẩn bị tốt các nội dung trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp cuối năm; sơ kết 6 tháng đầu năm, các hoạt động tổng kết cuối năm.
Ngọc Thư