TECHFEST VIETNAM là sự kiện có khả năng quy tụ khởi nghiệp sáng tạo cả nước và thu hút đầu tư quốc tế
”So với năm 2016, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có sự gia tăng về số lượng và chất lượng. Số lượng các không gian làm việc tăng hơn 50% với khoảng 70 khu. Có khoảng 40 cơ sở ươm tạo, tổ chức thúc đẩy kinh doanh đang hoạt động trên cả nước, cũng như gần 40 quỹ đầu tư có hoạt động tại Việt Nam. Về chất lượng doanh nghiệp KNST thì đang có sự cải thiện rõ rệt, mà cụ thể được minh chứng bằng số lượng vốn đầu tư liên tục tăng từ năm 2016 tới nay, đặc biệt năm 2018 đã thu hút tới 890 triệu đô-la Mỹ, cao gấp hơn 3 lần so với năm 2017”, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đại diện Ban điều hành Đề án 844 cho biết. Có thể nói, từ nỗ lực của các cơ quan quản lý và sự tham gia của đông đảo các tổ chức chính trị xã hội, trong những năm qua, hệ sinh thái Khởi nghiệp sáng tạo (KNST) Việt Nam đã được hình thành tương đối toàn diện và đem lại những kết quả tích cực.
Danh mục nhiệm vụ hằng năm định kỳ thuộc Đề án 844 thực hiện từ năm 2020 đã được công bố mới đây trên Cổng thông tin Bộ KH&CN theo Quyết định số 1025/QĐ-BKHCN với 17 nhiệm vụ, giảm đi 5 nhiệm vụ so với năm 2019 và tập trung tìm kiếm các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm để triển khai các nội dung chuyên sâu hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo. Tham gia Đề án, các đơn vị hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST được nhận hỗ trợ kinh phí thực hiện dự án, kết nối chuyên gia về KNST trong và ngoài nước, cũng như đóng góp cho hệ sinh thái KNST trên nhiều khía cạnh. Nhưng đồng thời, đơn vị cũng được yêu cầu cần có những tiêu chí đánh giá cụ thể về kết quả của nhiệm vụ cũng như tác động của nhiệm vụ đối với văn hoá - kinh tế - xã hội.
Đề án 844 năm 2020 vẫn sẽ tập trung 6 nhóm lớn, bao gồm:
(1) đào tạo, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp ĐMST;
(2) hỗ trợ hoạt động của các tổ chức ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung;
(3) truyền thông về hoạt động khởi nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp, đầu tư cho khởi nghiệp và phổ biến, tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp thành công của Việt Nam;
(4) kết nối các mạng lưới khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm của Việt Nam với khu vực và thế giới; kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tham gia các khóa huấn luyện tập trung ngắn hạn tại một số tổ chức thúc đẩy kinh doanh uy tín ở nước ngoài;
(5) xây dựng, phát triển mạng lưới các tổ chức thúc đẩy kinh doanh, mạng lưới nhà đầu tư cá nhân và mạng lưới quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2020;
(6) tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và sự kiện liên kết xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các vùng kinh tế.
Nhóm nhiệm vụ đào tạo, nâng cao năng lực cho khởi nghiệp ĐMST cơ bản không thay đổi nhiều về phân loại các nhiệm vụ, Đề án 844 vẫn tập trung hỗ trợ hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho các chủ thể của hệ sinh thái, trong đó năm 2020, một số đối tượng cần đẩy mạnh hoạt động này là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) để trở thành khách hàng của doanh nghiệp KNST; các tập đoàn lớn (big corp) để có các hoạt động hỗ trợ, đầu tư, mua bán sáp nhập; các nhà khoa học để hình thành các dự án khởi nghiệp có hàm lượng công nghệ cao; đại diện các Bộ, ngành để có thêm kiến thức và công cụ trong việc triển khai các hoạt động hỗ trợ KNST....
Lớp huấn luyện tại Đồng Tháp do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thực hiện thuộc Đề án 844 năm 2018
Trong nhóm nhiệm vụ hỗ trợ hoạt động của các tổ chức ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh, tổ chức cung cấp thiết bị dùng chung, danh mục có nhiệm vụ trọng tâm mới là “Thúc đẩy kinh doanh theo lĩnh vực chuyên sâu cho doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST”, trong đó mở ra cơ hội cho các hoạt động hỗ trợ theo các lĩnh vực như Medtech (Y tế), Fintech (Tài chính), Proptech ( Bất động sản),... nhưng cũng tăng tính cạnh tranh cho các đơn vị nộp hồ sơ tham gia thực hiện. Bên cạnh đó, ngoài các nhiệm vụ về cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST, phát triển thị trường cho doanh nghiệp KNST, có một nhiệm vụ mới về thúc đẩy doanh nghiệp KNST hướng tới hoạt động mua bán sáp nhập, trở thành công ty đại chúng được Đề án 844 khuyến khích triển khai.
Nhóm nhiệm vụ tổ chức sự kiện trong khuôn khổ Đề án 844, sau sự thành công của TECHFEST VIETNAM 2018, sẽ tiếp nối để tổ chức các Ngày hội khởi nghiệp ĐMST tại một số quốc gia có hệ sinh thái KNST phát triển trên thế giới nhằm thu hút các tài năng, chuyên gia, nguồn lực quốc tế cho doanh nghiệp KNST Việt Nam. Các ngày hội khởi nghiệp ở trong nước cũng sẽ được tổ chức với quy mô lliên vùng, liên ngành đòi hỏi sự tham gia, chung tay của các tổ chức có mạng lưới liên kết nhiều tỉnh thành và có năng lực tập hợp nguồn lực xã hội để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Có thể nói, từ năm 2016, Đề án 844 đã đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ hệ sinh thái KNST quốc gia, đem lại những tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp KNST. Đến nay, Đề án 844 đã triển khai năm thứ ba, với gần 50 địa phương ban hành kế hoạch triển khai và khoảng 40 đơn vị tham gia trên khắp cả nước. Các đơn vị đã tham gia chủ trì nhiệm vụ hằng năm, định kỳ và nhận hỗ trợ kinh phí từ Đề án 844 bao gồm các Trường đại học, viện nghiên cứu; tổ chức có hoạt động đào tạo, huấn luyện cho cá nhân khởi nghiệp ĐMST; tổ chức cung cấp dịch vụ cho khởi nghiệp ĐMST; tổ chức truyền thông cho khởi nghiệp ĐMST; vườn ươm và tổ chức thúc đẩy kinh doanh;...Các nhiệm vụ đặt ra cho đơn vị đều được xây dựng bởi hội đồng chuyên gia trên cả nước dựa trên đề xuất của các đơn vị, những phân tích kỹ lượng về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam các năm, cũng như thông qua học hỏi các mô hình xây dựng hệ sinh thái KNST tại Phần Lan, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore....
Cùng sự ra đời của Đề án 844, và các Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Đề án 1665); Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939), môi trường cho hoạt động KNST tại Việt Nam đã trở nên thông thoáng và tích cực hơn. Đây là tiền đề quan trọng để trong những năm tiếp theo, Bộ Khoa học & Công nghệ cùng với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai có hiệu quả hơn nữa hoạt động hỗ trợ KNST, góp phần đưa KNST trở thành động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội.
Để tham gia thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án 844, các đơn vị nộp bộ hồ sơ gồm thuyết minh, dự toán và các văn bản, giấy tờ chứng minh kèm theo về địa chỉ Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia (Phòng 1116, trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, số 113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội). Hạn cuối nộp hồ sơ: 17h ngày 3/6/2019.
PV