Trường Tiểu học Hải Nhân (TX Nghi Sơn- Thanh Hóa): Rộn ràng Hội chợ xuân

16:28 29/01/2024

Những gian hàng được trang trí rực rỡ, đậm nét chợ Tết truyền thống, cùng với những mặt hàng phong phú, đa dạng đủ đầy hương sắc ngày Tết Việt đã thu hút hàng nghìn lượt học sinh và phụ huynh tham quan, mua sắm và check in...

Chợ Tết từ xưa đến nay không chỉ là nơi để trao đổi buôn bán mà còn là một bức tranh tái hiện văn hoá màu sắc bao đời của người Việt. Tham gia những phiên chợ Tết không chỉ là cơ hội để mỗi người được trải nghiệm những ký ức xưa mà còn là không gian để con trẻ được chạm đến những giá trị truyền thống của quê hương xứ sở. Bởi thế, những phiên chợ Tết hay Hội chợ xuân vẫn luôn là những hoạt động không thể thiếu trong không gian văn hóa Tết Việt mà người lớn hay trẻ thơ đều háo hức.

Chúng tôi về trường Tiểu học Hải Nhân (xã Hải Nhân, TX Nghi Sơn, Thanh Hóa) một ngày cuối năm, dường như cái cảm xúc rộn ràng của một phiên chợ Tết được tổ chức vài ngày trước vẫn còn lưu lại trên từng gương mặt, từng nụ cười, từng câu chuyện của các cô cậu học sinh tiểu học. Trên sân trường, những gian hàng được dựng công phu với những câu đối Tết, những tràng pháo hoa vẫn còn được lưu lại như một sự trân trọng và tri ân những bàn tay đã tạo dựng nên những công trình trải nghiệm ý nghĩa và mang đậm chất giáo dục vừa qua.

Như để giải đáp những băn khoăn còn chưa kịp chia sẻ của chúng tôi, cô Lê Thị Thu- Hiệu trưởng nhà trường giải thích: Trường vừa tổ chức hoạt động trải nghệm Hội chợ xuân cho học sinh, những cái lán đó mấy hôm trước là các gian hàng của các khối lớp, nhà trường cố tình giữ lại để học sinh có thời gian tìm hiểu, trải nghiệm về nét đẹp chợ Tết truyền thống của quê hương…

Hoạt động trải nghiệm Hội chợ Xuân Giáp Thìn vừa được tổ chức tại trường Tiểu học Hải Nhân
Hoạt động trải nghiệm Hội chợ Xuân Giáp Thìn vừa được tổ chức tại trường Tiểu học Hải Nhân.

Tiết trời cuối năm, cái rét sâu hơn, chén trà nóng khiến câu chuyện của chúng tôi và Ban Giám hiệu nhà trường về Tết và hoạt động trải nghiệm Hội chợ xuân của nhà trường cũng trở nên rộn ràng háo hức như niềm vui của những đứa trẻ còn chưa kịp dứt…

Xuất phát từ ý tưởng tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh, với mong muốn các con được trực tiếp trải nghiệm các hoạt động truyền thống trong một không gian cụ thể, thực tế, nhằm hướng tới mục tiêu giáo dục ý thức, kỹ năng, cảm xúc, thái độ, và trách nhiệm cho học sinh, cùng với sự thống nhất và hỗ trợ của hội phụ huynh, sự đồng thuận của cấp Ủy, chính quyền địa phương và sự nhất trí của phòng giáo dục thị xã Nghi Sơn, nhà trường đã tổ chức thành công chương trình giáo dục trải nghiệm Hội chợ xuân Giáp Thìn tại khuôn viên nhà trường.

Theo chia sẻ của Ban Giám hiệu trường Tiểu học Hải Nhân, công tác chuẩn bị cho hội chợ đã được nhà trường phối hợp với Hội cha mẹ học sinh thực hiện một cách chu đáo, công phu, tỉ mỉ. Phụ huynh học sinh người góp tre, người góp cọ, người góp nông sản, người góp công sức... Những cây cải bắp, những củ cà rốt, nhưng bông súp lơ, những hạt nếp thơm mẩy trắng tròn được gom về bầy trên các gian hàng trong các hoạt trộng của Hội chợ xuân đã tạo ra một không gian văn hóa đầy màu sắc, mang đến một trải nghiệm thực tế, một cảm xúc hân hoan, một niềm vui trọn vẹn và đủ đầy không những cho thầy trò trường Tiểu học Hải Nhân, mà niềm vui đó đã lan tỏa đến tận sâu cảm xúc của các bậc phụ huynh khi cùng con đến trải nghiệm tại Hội chợ xuân do nhà trường tổ chức.

Những cái bắp cải, những củ cà rốt, nhưng bông súp lơ, những hạt nếp thơm mẩy trắng tròn được gom về bầy trên các gian hàng
Những cái bắp cải, những củ cà rốt, nhưng bông súp lơ, những hạt nếp thơm mẩy trắng tròn được gom về bầy trên các gian hàng.

Nhà trường cũng xác định Hội chợ xuân nhưng không nhằm mục đích kinh doanh mà mà hướng tới hoạt động trải nghiệm. Qua đó, không chỉ giáo dục cho học sinh kiến thức kỹ năng sống, giáo dục cho học sinh hiểu rõ về phong tục tập quán địa phương mà còn giáo dục cho học sinh về truyền thống văn hóa của quê hương xứ sở, từ đó nhân lên tình yêu quê hương, để mỗi học sinh ý thức hơn trong việc giữ gìn và huy bản sắc Việt trong xu thế hội nhập xủa xã hội. Một điều đặc biệt hơn là thay vì giao dịch bằng tiền thì hội chợ đã sử dụng hình thức giao dịch băng phiếu mua hàng với các mệnh giá tương đương đồng tiền đang lưu hành. Học sinh và phụ huynh sẽ sử dụng số tiền mình có đổi thành phiếu để đi chợ. Toàn bộ lợi nhuân từ hội chợ sẽ được ủng hộ cho quỹ “Tết nhân ái” để trao quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Hội chợ đã triển khai 5 gian hàng ở 5 khối lớp, tái hiện lại không gian chợ Tết truyền thống tại địa phương bao gồm: gian hàng “Thưởng thức ẩm thực” để học sinh thưởng thức các món ăn truyền thống và trải nghiệm làm bánh; gian hàng “Gia vị bếp Việt” giới thiệu vè các gia vị được sử dụng để chế biến các món ăn ngày tết, hướng dẫn học sinh làm mọt số món dưa món đơn giản; gian hàng “tự hào nông sản Việt”; gian hàng “Thế giới trẻ thơ”; gian hàng “ngọt ngào hương vị quê hương” và gian “Thư pháp ngày xuân”  cùng với các trò chơi dân gian như: Hội nấu cơm thi, múa sạp,… đã tạo nên một không gian lễ hội đầy màu sắc, rộn ràng phong vị ngày Tết ngay tại khuôn viên nhà trường.

Các gian hàng tái hiện lại không gian chợ tết truyền thống tại địa phương
Các gian hàng tái hiện lại không gian chợ tết truyền thống tại địa phương.

Cũng trong không khí rộn ràng háo hức của những ngày giáp Tết, tham gia hội chợ cũng là cách để mỗi học sinh được chia sẻ yêu thương, đồng hành cũng những bạn nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cùng trường. Bằng tinh thần đó, 55 suất quà trị giá hơn 40 triệu đồng và hiện vật đã được trao đến các bạn học sinh đâng học tập tại trường.

Bằng tinh thần yêu thương và chia sẻ, 55 suất quà trị giá hơn 40 triệu đồng và hiện vật đã được trao đến các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong nhà trường
Bằng tinh thần yêu thương và chia sẻ, 55 suất quà trị giá hơn 40 triệu đồng và hiện vật đã được trao đến các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong nhà trường.

Chia sẻ với chúng tôi trong buổi trò chuyện về hoạt động trải nghiệm của nhà trường, cô Thu- người lãnh đạo đã nhiều năm trong nghề vẫn không giấu nổi niềm vui: Xuất phát từ mục tiêu đổi mới trong công tác giáo dục trong việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, học sinh phải được hòa mình vào không gian cụ thể chứ ko phải chỉ trong sách vở, xuất phát từ truyền thống văn hóa của địa phương, cùng với sự ủng hộ nhiệt tình của Hội cha mẹ học sinh, Hội đồng sư phạm nhà trường đã quyết tâm biến Hội chợ xuân trở thành một ngày hội thực sự ý nghĩa của cô và trò, để học sinh được vui với niềm vui trẻ thơ, được trải nghiệm một phiên chợ quê thực sự, để các con biết yêu thương và có trách nhiệm hơn từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống.

Cô trò cùng nấu bánh chưng, cùng quay tik tok, cùng đi chợ…
Cô trò cùng nấu bánh chưng, cùng quay tik tok, cùng đi chợ trải nghiệm ẩm thực truyền thống ngay tại hội chợ.

“Chúng tôi đã thực sự cảm nhận được niềm vui của học sinh trong mỗi một hoạt động tại hội chợ do nhà trường tổ chức. Cô trò cùng nấu bánh chưng, cùng nhau đi chợ, cùng quay tik tok,… Đây thực sự đã trở thành một ngày hội giáo dục của các lực lượng xã hội trên địa bàn, khẳng định sự kết tinh của công tác xã hội hóa giáo dục của địa phương”- Cô Thu chia sẻ thêm.

Kết thúc buổi thăm trường bằng những cái nắm tay ấm áp, nhìn các bạn học sinh hân hoan áo tết đến trường, chúng tôi chợt hiểu cụ thể hơn về khái niệm “Trường học hạnh phúc” mà các nhà giáo dục đang hướng tới.

Lâm Ngọc