Để tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ và giám sát của Tòa án đối với hoạt động Trọng tài, vừa qua, tại Hà Nội, VIAC đã có buổi làm việc với Lãnh đạo, Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC). Buổi làm việc do VIAC đề xuất với nội dung xoay quanh những kiến nghị về hoạt động hỗ trợ và giám sát trọng tài của Tòa án mà VIAC cho rằng vẫn còn bất cập, chưa hợp lý, cần sửa đổi.
GS.TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì buổi làm việc; cùng tham dự và đồng chủ trì buổi làm việc có TS. Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch VIAC.
Tham dự buổi làm việc về phía TANDTC có TS. Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực TANDTC; ThS. Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án TANDTC; thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC và đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc TANDTC. Về phía VIAC có các đại biểu: Luật sư Vũ Ánh Dương, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký; GS. TS Đỗ Văn Đại, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học VIAC; các trọng tài viên VIAC: Luật sư Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội khóa XV; TS. Phan Chí Hiếu, Chủ tịch Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp; TS. Lê Xuân Thân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Giám đốc Chi nhánh VIAC tại Khánh Hòa; Ths. Nguyễn Thị Mai, nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp cùng các đại điện các đơn vị trực thuộc của VIAC.
Tại buổi làm việc, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, đã phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động hỗ trợ và giám sát của Tòa án đối với trọng tài. Theo TS. Vũ Tiến Lộc, trọng tài thương mại đã được pháp luật Việt Nam và hầu hết các quốc gia trên thế giới công nhận là một trong các phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại có nhiều ưu điểm, được các doanh nghiệp, các thương nhân và các nhà đầu tư quan tâm lựa chọn sử dụng để giải quyết cho các tranh chấp phát sinh. Theo Báo cáo kết quả Khảo sát về Trọng tài Quốc tế năm 2021 do Đại học Queen Mary (Anh Quốc) thực hiện, 92% người tham gia khảo sát lựa chọn Trọng tài quốc tế và các phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (ADRs) là phương thức được ưa chuộng đối với các tranh chấp xuyên biên giới. Khảo sát về Giải quyết tranh chấp quốc tế năm 2020 và 2022 do Viện Giải quyết tranh chấp quốc tế Singapore (SIDRA) thực hiện cũng ghi nhận trung bình 88% doanh nghiệp tham gia khảo sát lựa chọn Trọng tài là phương thức ưu tiên sử dụng khi có tranh chấp phát sinh. Bên cạnh đó, Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh chấp tỉnh năm 2017 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cũng ghi nhận 92% doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát lựa chọn các phương thức ngoài tòa án để giải quyết khi phát sinh tranh chấp trong hoạt động kinh doanh thương mại. Ở Việt Nam, hiện trọng tài thương mại được xếp vào nhóm các hoạt động bổ trợ tư pháp – tức là cùng chia sẻ một số nhiệm vụ với ngành tư pháp.
Việc phát triển phương thức trọng tài cũng đã được xác định là một trong những nội dung quan trọng để cải cách hệ thống pháp luật và tư pháp của Việt Nam. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương và chính sách khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Cụ thể, Bộ Chính trị đã ban hành 03 Nghị quyết chỉ đạo về vấn đề này, trong đó đặc biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã nêu yêu cầu “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài”.
Luật Trọng tài thương mại 2010 đã quy định chức năng hỗ trợ và giám sát của Tòa án đối với thủ tục trọng tài và phán quyết trọng tài. Trên cơ sở quy định của Luật, với sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo TANDTC, hệ thống TAND các cấp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tích cực cho phương thức trọng tài, theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy phát triển các phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải, tiêu biểu trong đó cần nhắc đến Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài Thương mại.
Sau khi Nghị quyết được ban hành, ngành Tòa án đã thực hiện cơ bản tốt các vai trò hỗ trợ và giám sát đối với hoạt động trọng tài, giúp thúc đẩy sự phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của trọng tài tại Việt Nam, góp phần tăng cường nền tư pháp, bảo đảm hiệu lực thực thi các hợp đồng, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. VIAC với vị thế là tổ chức trọng tài lâu đời nhất và được đánh giá là tổ chức trọng tài năng động nhất, giải quyết tranh chấp đa dạng nhất. Cụ thể, VIAC đã giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp liên quan đến hầu hết các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và đầu tư, trong đó có tới 60% vụ việc có yếu tố nước ngoài và liên quan đến khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, bất cập trong lĩnh vực này.
Để làm rõ các vấn đề, tại buổi làm việc, các Trọng tài viên VIAC cũng đã có những phát biểu phân tích làm rõ thêm thực trạng hoạt động giám sát và hỗ trợ của Tòa án đối với trọng tài, bao gồm cả những điểm đã đạt được và cả những tồn tại hạn chế.
Chủ tịch VIAC Vũ Tiến Lộc và các Trọng tài viên đã kiến nghị tới đồng chí Chánh án Nguyễn Hoà Bình và Hội đồng Thẩm phán TANDTC triển khai công tác tổng kết việc giám sát hỗ trợ trọng tài trong hệ thống Tòa án để phát huy các thực tiễn tốt, ủng hộ trọng tài và xử lý các vấn đề tồn tại, thiếu nhất quán trong các quyết định của Tòa án liên quan đến hoạt động động trọng tài. Cụ thể, đề nghị TANDTC quan tâm đến công tác xây dựng án lệ về trọng tài, bổ sung nội dung hỗ trợ và giám sát của Toà án với hoạt động trọng tài trong báo cáo hàng năm của Chánh án TANDTC trình Quốc hội; đề nghị TANDTC và VIAC có những buổi làm việc định kỳ để rút kinh nghiệm chung trong công tác hỗ trợ và giám sát hoạt động trọng tài; đề nghị TANDTC quan tâm tới việc xây dựng án lệ về trọng tài, ban hành các nghị quyết hướng dẫn hoặc các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ giúp Thẩm phán giải quyết thống nhất và có hiệu quả việc trọng tài; đề nghị TANDTC tăng cường giám sát các quyết định của Tòa án các cấp trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến trọng tài v.v...
Bên cạnh đó, VIAC cũng kiến nghị TANDTC ủng hộ và tham gia tích cực vào việc sửa đổi Luật Trọng tài thương mại, đặc biệt về nhóm các quy định liên quan đến hoạt động giám sát và hỗ trợ của Tòa án đối với Trọng tài.
Kết luận buổi làm việc, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao đóng góp của VIAC vào hoạt động của trọng tài thương mại tại Việt Nam nói riêng và của trọng tài quốc tế nói chung, không chỉ giúp cho công việc của Tòa án mà còn giúp cho nhân dân và doanh nghiệp tiếp cận công lý nhanh chóng và hiệu quả; đồng thời ghi nhận những thông tin mà VIAC đã cung cấp cho lãnh đạo, Hội đồng Thẩm phán TANDTC...
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, quan tâm tới hoạt động VIAC cũng là trách nhiệm của Tòa án. Đối với các vấn đề cụ thể kiến nghị chưa hợp lý liên quan luật, nghị quyết hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đồng ý và đề nghị VIAC phối hợp với các đơn vị liên quan của TANDTC để cùng nhau bàn thảo. Cụ thể, Chánh án TANDTC đề nghị VIAC tham gia vào hoạt động rà soát và dự thảo Báo cáo tổng kết thực thi Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại. Báo cáo này sẽ được công bố tại Hội nghị tổng kết TAND năm 2023. Đối với án lệ, Chánh án mong muốn VIAC đề xuất các phán quyết để phía TANDTC phát triển án lệ.
Bên cạnh đó, Chánh án TANDTC cũng đề nghị các chuyên gia của VIAC tham gia vào hoạt động định kỳ của Tòa án như hoạt động tập huấn trực tuyến hàng tháng cho thẩm phán để chia sẻ và giúp các thẩm phán hiểu rõ hơn về thực tiễn hoạt động trọng tài thương mại. Cùng đó, tại hoạt động đối thoại của TANDTC với thẩm phán TAND trên toàn quốc hàng quý, TANDTC cũng sẽ lựa chọn các vấn đề mà VIAC báo cáo để đưa vào đối thoại nhằm thống nhất cách hiểu và áp dụng quy định pháp luật giữa các TAND địa phương trong việc thực hiện hỗ trợ và giám sát hoạt động trọng tài.
TS Vũ Tiến Lộc chân thành cảm ơn đồng chí Chánh án và Lãnh đạo Toà án Nhân dân Tối cao đã dành thời gian để làm việc với Lãnh đạo và các Trọng tài viên VIAC. VIAC sẽ tiếp thu những ý kiến định hướng và chỉ đạo của đồng chí Chánh án và sẽ tích cực tham gia vào báo cáo TANDTC tổng kết công tác Toà án với Trọng tài, đề xuất xây dựng, phát triển án lệ, cung cấp thông tin và phản ánh kịp thời khi cần thiết những vụ việc giải quyết bởi TAND địa phương liên quan đến trọng tài tới TANDTC, kiến nghị những vấn đề thể chế chính sách với Trọng tài… để góp phần thúc đẩy công tác hỗ trợ và giám sát trọng tài của Tòa án tiếp tục được tăng cường và có những đột phá mới.
P.V