Máy xạ trị chưa được sửa chữa do tranh chấp quyền sở hữu
Sau khi Doanh nghiệp & Hội nhập phản ánh tình trạng máy xạ trị hỏng không được sửa chữa dẫn đến gián đoạn điều trị bệnh nhân ung thư, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa thông tin: Hiện nay, ngoài hệ thống xạ trị gia tốc đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đang bị hỏng, thì trên địa bàn tỉnh có Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực đảm bảo đầy đủ máy móc, trang thiết bị và nhân lực đáp ứng tiếp nhận các bệnh nhân ung bướu cần thực hiện hóa – xạ trị điều trị ung thư. Do đó, để không làm gián đoạn quá trình điều trị, bệnh nhân ung thư có thể đến điều trị tại cơ sở y tế này và được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định.
Tuy nhiên, cái gốc của vấn đề là: UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở Y tế đã vào cuộc giải quyết việc “tranh chấp” quyền sở hữu hệ thống máy xạ trị đặt tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa nhưng kết quả chưa rõ ràng. Hiện đang lãng phí một thiết bị Y tế là hệ thống máy xạ trị hiện đại có giá trị “khủng” hơn 29 tỷ đồng.
Tìm hiểu sự việc, căn cứ tài liệu được biết: Từ các văn bản phê duyệt của UBND tỉnh Thanh Hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Công ty TNHH Thương mại & Đầu tư y tế Nhật Quang đã ký kết Hợp đồng liên doanh đầu tư lắp đặt Hệ thống máy gia tốc tuyến tính điều trị ung thư (gọi tắt là máy xạ trị) tại BVĐK tỉnh Thanh Hoá từ năm 2009. Thời điểm ký 2 HĐ trên, tỉnh Thanh Hóa duy nhất có Khoa ung bướu của BVĐK tỉnh, phát triển thành Trung tâm Ung bướu. Tuy nhiên từ năm 2017, Trung tâm Ung bướu đã tách ra thành Bệnh viện Ung bướu. Do đó 2 bên liên doanh đã ký tiếp các văn bản để bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện Ung bướu vẫn được chiếu xạ bằng hệ thống máy xạ trị đặt tại BVĐK Thanh Hóa.
Tại điều 5 của 2 Hợp đồng trên ghi rõ: “...Sau 10 năm hợp tác thực hiện Hợp đồng này, nếu Bên B đã thu hồi đủ vốn và có lãi, bên B sẽ bàn giao và tặng lại toàn bộ hệ thống thiết bị xạ trị gia tốc cho Bên A, Bên A được toàn quyền sở hữu, quản lý và tiếp tục khai thác sử dụng phục vụ bệnh nhân. Trường hợp sau 10 năm liên kết, bên B chưa thu hồi đủ vốn, hai bên sẽ cùng bàn bạc thảo luận để có quyết định phù hợp nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho cả hai bên”.
Mâu thuẫn phát sinh khi tại thời điểm kết thúc HĐ (31/12/2020), BVĐK căn cứ Biên bản thanh lý HĐ (khi 2 bên chưa có Biên bản chốt số liệu về hiệu quả thực hiện HĐ) báo cáo Sở Y tế, cho rằng đến thời điểm kết thúc Hợp đồng (31/12/2020), Công ty Nhật Quang đã thu hồi đủ vốn đầu tư máy xạ trị (hơn 29 tỷ đồng) và có lãi hơn 5 tỷ đồng; căn cứ Điều 5 của 2 HĐ liên doanh năm 2009 thì Công ty phải cho, tặng lại BVĐK Hệ thống máy gia tốc xạ trị.
Ngược lại, Công ty Nhật Quang căn cứ kết quả kiểm toán, cho thấy cần phải thêm một thời gian khai thác máy xạ trị thì Công ty mới thu hồi đủ vốn nên đề nghị được tiếp tục cùng với BVĐK khai thác Hệ thống máy xạ trị thêm một thời gian nữa, đúng theo quy định tại Điều 5 của các HĐ trên.
Mới đây nhất, BVĐK tỉnh, Sở Y tế đã ra công văn số 2623/SYT-KHTC ngày 28/6/2021 đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa làm thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với Hệ thống máy gia tốc xạ trị đặt tại BVĐK.
Được biết, UBND tỉnh Thanh Hóa chưa đồng ý với kiến nghị của Sở Y tế về nội dung xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với Hệ thống máy xạ trị đặt tại BVĐK Thanh Hóa.
Chính vì sự tranh chấp này mà vô hình chung, hệ thống máy xạ trị đã bị bỏ mặc cho hư hỏng không đơn vị nào sửa chữa. Quan trọng nhất là hàng loạt bệnh nhân ung thư đang chờ đợi trong mệt mỏi, lo âu để được xạ trị nhằm kéo dài sự sống.
Sở Y tế phải chịu trách nhiệm
Khi phóng viên liên hệ tìm hiểu những vấn đề liên quan, ông Trịnh Hữu Hùng, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: “Về việc máy hỏng mà không được sửa và bệnh nhân không được xạ trị thì phóng viên nên hỏi lại 2 đơn vị có máy đó (tức BVĐK Thanh Hóa và Công ty Nhật Quang - PV), các anh chị cứ nghĩ là máy xạ trị chứ máy siêu âm ở các đơn vị đó cũng hỏng liên tục. Cái máy nào cũng là phục vụ bệnh nhân cả. Không lẽ một cái máy siêu âm hỏng PV cũng lên hỏi tôi à? Bên nào thắc mắc thì xem lại Điều 6 trong HĐ". (Tức 2 đơn vị là BVĐK Thanh Hóa và Công ty Nhật Quang đã ký HĐ liên doanh số 1 và số 2 năm 2009; trong đó Điều 6 của 2 HĐ này ghi rõ: Trường hợp có tranh chấp không tự giải quyết được bằng thương lượng thì các bên đề nghị tòa kinh tế có thẩm quyền giải quyết - PV).
Trao đổi với phóng viên, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Để xảy ra tình trạng hàng loạt bệnh nhân ung thư của Bệnh viện Ung bướu không được xạ trị trong trong 2 tháng qua thì cơ quan lý là Sở Y tế phải chịu trách nhiệm.
"UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở Y tế, nhưng Sở chưa dứt điểm. Vì đây là HĐ dân sự giữa Bệnh viện và doanh nghiệp, họ chưa có đồng thuận thì UBND tỉnh chưa quyết định được. Đây là tài sản doanh nghiệp không phải tài sản công nên rất khó quyết định được ngay. Giờ 4 bên là Sở Y tế, BVĐK, BV Ung bướu và doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau chính thức phân định rạch ròi, đến thời điểm này quyền sở hữu của hệ thống máy xạ trị gia tốc thuộc đơn vị nào. Tôi đã yêu cầu Sở Y tế khẩn trương, phải làm ngay trong tuần này”, Phó Chủ tịch UBDN tỉnh Thanh hóa nhấn mạnh.
Về mặt điều trị bệnh nhân, UBND tỉnh đã giao cho Sở Y tế và Bệnh viện Ung bướu phải có biện pháp. Nếu không khắc phục được thì phải có giải pháp hoặc là di chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Hợp Lực; phối hợp với BV Hợp Lực để duy trì việc điều trị cho bệnh nhân.
Hiện các bên liên quan đang chờ quyết định “tối hậu” của UBND tỉnh Thanh Hóa, bảo đảm hài hòa quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia, đáp ứng nhu cầu xạ trị của nhiều bệnh nhân ung thư đang điều trị tại bệnh viện Ung bướu.
Minh Hiền