Cụ thể, nhóm Gelex đã sở hữu tổng cộng 50,21% vốn điều lệ của Viglacera. Trong đó, Gelex trực tiếp nắm giữ hơn 138 triệu cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera, tương đương 30,78% vốn; còn công ty Cổ phần Thiết bị điện Gelex (công ty con của Gelex) nắm giữ 87,1 triệu cổ phiếu VGC, tương đương 19,43% vốn. Như vậy, Gelex sẽ tiến hành hợp nhất kết quả kinh doanh của Viglacera từ đầu Quý 2/2021.
Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam đã sở hữu tổng cộng 50,21% vốn điều lệ của Viglacera.
Ban lãnh đạo Gelex cho biết, thương vụ thâu tóm Viglacera sẽ giúp tập đoàn giảm mạnh tỷ lệ nợ vay, mở ra nhiều cơ hội để tiến sát tới mục tiêu đã đề ra, đặc biệt trong mảng phát triển bất động sản khu công nghiệp.
Theo đó, tập đoàn này sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất khu công nghiệp với mục tiêu đến năm 2025 nâng tổng số các khu công nghiệp của Viglacera lên hơn 20, với trên 10 khu công nghiệp mới, tổng diện tích tăng thêm từ 2.000-3.000 ha, phát triển quỹ đất khu công nghiệp dự trữ gấp đôi cho thuê hàng năm.
Với kịch bản này, Gelex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2021 là 33.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.900 tỷ đồng.
Năm 2020, Gelex ghi nhận doanh thu thuần đạt 17.949 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ở mức 1.187 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu chủ yếu vẫn đến từ lĩnh vực thiết bị điện với 16.097 tỷ đồng, chiếm 89% doanh thu thuần.
Tại ngày 31/12/2020, quy mô tổng tài sản của Gelex đạt 27.131 tỷ đồng, tăng 27,8% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, số dư tiền và tương đương tiền tăng 69%, lên đạt 1.562 tỷ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến cuối năm 2020, nợ phải trả của Gelex đạt 18.939 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay là 12.083 tỷ đồng, chiếm 44,5% tổng nguồn vốn.
PV