Hơn nữa Trà Sư còn được xem như một “thư viện sinh thái” khổng lồ, nơi “duy nhất” của đất rừng phương Nam còn lưu giữ từ những thập niên đầu của thế kỷ XIX cho đến ngày nay.
Chính những nét “tương đồng” được miêu tả qua những ngôn từ của nhà văn Đoàn Giỏi, cộng hưởng vẻ đẹp thiên nhiên “đậm chất điện ảnh” không nơi nào thay thế được. Thế nên, Trà Sư vinh dự được chọn làm đại cảnh “đắt giá”, phân đoạn hoành tráng nhất cho bộ phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Quang Dũng.
Màn tái hiện hoài cổ vô cùng đẹp mắt
Điệu hò ngân lên da diết như chất chứa bao nỗi nhớ niềm thương như muốn nhắn gửi đến miền đất này.
“Ai về miền đất phương Nam
Cho tôi nhắn gởi bao niềm nhớ thương”
Trà Sư mở màn bấm máy với đại cảnh vô cùng ấn tượng, thước phim tái hiện “chợ nổi” nét văn hóa đặc thù đậm chất của miền Tây sông nước vào những năm 1920. Dựa trên những yếu tố cảnh quan sẵn có đoàn phim dựng thêm chợ nổi trên sông hơn 50 chiếc ghe, thuyền chở đầy hàng hóa, tinh tế mức có cả “cây bẹo” thay cho bảng hiệu treo trên mũi thuyền. Hoạt động trên sông giao thương tấp nập, nhộn nhịp còn hai bên bờ là hàng quán, cửa tiệm biển hiệu được vẽ tay rất khéo léo.
Đạo diễn Quang Dũng chia sẻ: “Mình được sự hỗ trợ của Khu du lịch Trà Sư ngưng hoạt động ở bối cảnh đó và cho mình sửa theo ý của bối cảnh đoàn phim”. Có thể nói đây là bối cảnh khó và nặng, đóng vai trò quan trọng với diễn biến phim, gắn liền các nhân vật bé An, thằng Cò, bé Xinh, ông Tiều, dì Tư Mắm, bác Ba Phi, bà Tư Ù.
Một lần nữa Trà Sư khoác lên mình những gam màu hoài cổ, ngoài là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của các kỳ tài thi - nhạc sĩ. Và giờ đây Trà Sư tự hào“sắm vai” nhịp cầu kết nối giữa lịch sử và hiện tại, để những áng văn chương trong tiểu thuyết trở thành những thước phim điện ảnh bất hữu đi vào lòng người.
Vì sao Trà Sư được chọn làm phim trường “Đất rừng phương Nam?
“Đất rừng phương Nam”- một bộ phim điện ảnh ngoài dung lượng tự sự khủng, còn khắc họa thiên nhiên sống động vùng đất rừng tràm ngập nước sừng sững, cao vút hiên ngang vươn mình đón nắng âm thầm cắm cội rễ thật sâu như chính phẩm chất đôn hậu, vẻ đẹp bất biến, rắn rỏi của những con người lao động từng trải.
Song, phản ảnh toàn cảnh xã hội rộng lớn lúc bấy giờ làm phông nền hiện rõ số phận, cuộc đời của những con người mưu sinh, lang bạc, trắc trở, thăng trầm với những nét tính cách sắc sảo: yêu lao động, yêu thiên nhiên, nhân ái, trọng nghĩa tình và luôn luôn hiện hữu trong họ trái tim yêu nước nồng nhiệt.
Cảnh miền sông nước yên bình bao giờ cũng khiến lòng người xôn xao, cánh rừng tràm Trà Sư còn kỳ diệu và phong phú không thua một bức tranh thủy mặc thời cổ nào cả. Có một dáng vóc Trà Sư trong một đoạn miêu tả của nhà văn Đoàn Giỏi:“Buổi sáng, đất rừng thật là yên tĩnh. Trời không gió, nhưng không khí vẫn mát lạnh. Cái lành lạnh của hơi nước sông ngòi, mương rạch, của đất ấm và dưỡng khí thảo mộc thở ra từ bình minh, ánh sáng trong vắt, hơi gợn một chút óng ánh trên những đầu hoa tràm rung rung, khiến ta nhìn cái gì cũng có cảm giác như là nó bao qua một lớp thủy tinh”
Những nét tương đồng từ văn chương cho đến đời thực đã minh chứng “cơ duyên”, định mệnh những điểm chung này một lần nữa sẽ xuất hiện trong phim Đất rừng phương Nam. Đây cũng là điều khiến giới mộ điệu phim và những ai yêu nghệ thuật thôi thúc họ tìm đến Trà Sư để tự trải khám phá tận hưởng những điều tuyệt diệu mà thiên nhiên ban tặng cho nơi này.
Đại ngàn Trà Sư vừa cứng rắn, mạnh mẽ bởi sự hoang sơ, kỳ vĩ nhưng cũng lắm đổi mềm mại dịu dàng như một khúc hát ân tình đằm thắm khiến bao du khách say mê. Nơi ánh hoàng hôn kiêu kỳ buông xuống như một giấc mơ tuyệt đẹp tạo nên khung cảnh lãng mạn, trữ tình.
Du khách thỏa sức tiêu dao trên chiếc xuồng ba lá, chiêm ngưỡng sự tươi mát kỳ diệu của rừng tràm, hay lướt nhẹ trên thảm bèo nhung xanh trải dài bất tận. Chắc hẳn khách sẽ say sưa trong tiết trời dịu êm, gió nhẹ, nắng mai hồng, cánh chim cò bay lượn đặt ken, có những cây tràm khẽ nghiêng mình soi bóng nước lung linh.
Một góc bối cảnh của phim hiện được lưu lại biển hiệu cầm đồ của ông Ba Sang, bên dưới là một chiếc thuyền neo đậu mô phỏng. Ban quản lý rừng tràm Trà Sư căng bandroll hai bên bờ in dòng chữ phim trường “Đất rừng phương Nam” vừa để lưu giữ kỷ niệm vừa góp phần lan tỏa, quảng bá du lịch, điện ảnh, văn học nghệ thuật đến du khách trong nước và quốc tế.
Rừng tràm Trà Sư – chất liệu phim điện ảnh thật đẹp niềm tự hào của An Giang!
Minh Ngọc