Với nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, mục tiêu tăng trưởng GRDP 7,1- 8% trong năm 2024 được giới chuyên môn đánh giá là hoàn toàn khả thi… Đánh giá chung về tình hình kinh tế xã hội TP. Hồ Chí Minh năm 2023 được coi là năm khởi sắc, phục hồi và tăng tốc. Tuy chỉ chiếm khoảng 1% diện tích, 10% dân số nhưng TP. Hồ Chí Minh chiếm 20% GDP cả nước, thu ngân sách trên địa bàn dẫn đầu cả nước, năng suất lao động dẫn đầu cả nước, tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động đến từ khắp các tỉnh thành. Đặc biệt, thành phố có thế mạnh về thị trường giao dịch khoa học – công nghệ; dịch vụ tài chính – ngân hàng; dịch vụ vận tải – kho bãi; y tế – giáo dục; du lịch, thương mại; chiếm tỷ trọng cao trong ngành chế biến – chế tạo. Là địa phương có số lượng doanh nghiệp và doanh nghiệp thành lập mới cao nhất cả nước. Tuy nhiên, TP. Hồ Chí Minh cũng là nơi chịu tác động trực tiếp từ ảnh hưởng môi trường kinh doanh quốc tế, gánh chịu những ảnh hưởng nặng nề nhất của cả nước từ đại dịch Covid-19, đến các cuộc xung đột vũ trang và căng thẳng chính trị đang có chiều hướng gia tăng trên toàn thế giới.
Theo các chuyên gia, cùng với những thách thức, khó khăn do tác động của tình hình thế giới, TP.Hồ Chí Minh cần nhìn rõ 5 điểm sáng kinh tế vĩ mô trong năm 2024 để vận dụng một cách hiệu quả nhất cho sự tăng trưởng của mình. Trong nước, cuối tháng 12/2023 và đầu tháng 1/2024 là điểm rơi của chu kỳ mua sắm, tạo ra sự thúc đẩy trong tiêu dùng, tác động đến tổng cầu. Muốn vốn đầu tư công phát huy hiệu quả thì phải có độ trễ nhất định để tính lan tỏa xảy ra. Và năm 2024 có thể vốn đầu tư công giải ngân từ năm 2023 bắt đầu có hiệu quả.
Song song đó, năm 2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm lãi suất 4 lần trong khi thế giới tăng lãi suất, đó là điểm tích cực trong điều hành kinh tế vĩ mô. Chính mặt bằng lãi suất thấp đã giúp Việt Nam, trong đó có TP.Hồ Chí Minh duy trì tăng trưởng kinh tế không quá thấp và điều này sẽ tiếp tục trong năm 2024. Nhà đất vẫn là một kênh đầu tư quan trọng, tác động tích cực đến người tiêu dùng và nhà đầu tư. Với việc xử lý nợ xấu, tháo ngòi nổ của “quả bom” trái phiếu doanh nghiệp và nhiều động thái xử lý bất ổn của thị trường bất động sản thời gian qua, về lâu dài sẽ nới lỏng dòng tiền trong kênh đầu tư bất động sản, tạo ra những tín hiệu lạc quan hơn.
Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, năm 2024, với 3 yếu tố: tiêu dùng nội địa, đầu tư công, xuất khẩu tiếp tục là 3 động lực chính cho tăng trưởng và TP. Hồ Chí Minh phải có giải pháp cho từng yếu tố này. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ tổng cầu phục hồi nhanh hơn, thành phố có thể tập trung vào các chính sách thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng của người dân, đầu tư tích lũy tài sản của doanh nghiệp và hộ gia đình (đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản). Bên cạnh đó, việc triển khai tốt Nghị quyết 98 của Chính phủ; tăng cường giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm để kích thích các ngành xây dựng, bất động sản, vật liệu xây dựng... thu hút ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp bán dẫn, công nghiệp tạo tăng trưởng xanh, các ngành dịch vụ thế mạnh của TP như dịch vụ khoa học kỹ thuật, hoạt động đổi mới sáng tạo…
Theo TS. Trương Minh Huy Vũ - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, để tăng tiêu dùng nội địa, thành phố cần thực hiện nhiều biện pháp cả trước mắt và lâu dài. Trong đó có phát triển thương mại điện tử, chống hàng gian hàng giả, nâng cao chất lượng hàng hóa và ngày càng có nhiều sản phẩm xanh. Ở trụ cột đầu tư công, năm 2024, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục quyết liệt trong việc giải ngân đầu tư công trọng điểm vào đổi mới sáng tạo, hạ tầng. Đồng thời, chính sách tiền tệ đang nỗ lực khắc phục nợ xấu và nâng cao tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhằm khơi thông dòng chảy tín dụng vào các lĩnh vực trọng tâm. Từ đó, sự phục hồi của tổng cầu ở TP. Hồ Chí Minh và Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhận được một trợ lực lớn, nhất là 6 tháng cuối năm.
Uyển Nhi