Chủ trương sử dụng xe điện (nhiên liệu sạch) đã được xác định tại Nghị quyết Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, với mục tiêu cụ thể đến năm 2025, TP. Hồ Chí Minh là đô thị thông minh, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, “xây dựng những giải pháp mang tính chất đột phá nhằm nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng, kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, có lộ trình tăng tỷ lệ xe ô tô điện toàn thành phố”. Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất triển khai đưa xe buýt điện vào hoạt động thí điểm trên địa bàn Thành phố. Theo đó, tổ chức thí điểm 5 tuyến xe buýt điện như sau: Tuyến: VinHome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn; Tuyến: VinHome Grand Park - Sân bay Tân Sơn Nhất; Tuyến: VinHome Grand Park - Trung tâm thương mại Emart; Tuyến: VinHome Grand Park - Bến xe Miền Đông mới; Tuyến Bến xe Miền Đông mới - Khu đô thị Đại học Quốc gia.
Tuy nhiên, đến nay chỉ mới tổ chức được 01 tuyến, còn 04 tuyến đang tiếp tục triển khai do một số nguyên nhân mà theo Công ty Vinbus báo cáo, để tổ chức hoạt động 05 tuyến xe buýt điện (quy mô gần 100 xe), Công ty Vinbus đã khẩn trương tìm kiếm và đầu tư quỹ đất xây dựng Depot với diện tích 1,5-2 ha với đầy đủ cơ sở vật chất như văn phòng, nhà xưởng bảo dưỡng sửa chữa, hệ thống hạ tầng trạm sạc, bãi đỗ…. , triển khai các thủ tục để xây dựng Depot tại Thành phố Thủ Đức, tuy nhiên, do quy trình thực hiện các thủ tục pháp lý của dự án phải trải qua nhiều bước và chờ thẩm định, phê duyệt từ nhiều Sở, ngành nên bị kéo dài thời gian thực hiện. Ngoài ra, việc thay đổi chủ trương, chính sách về lĩnh vực xây dựng cũng ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư dự án. Kế hoạch xây dựng Depot dự kiến sẽ được cấp phép xây dựng cuối tháng 4/2024 và sẽ thi công xây dựng từ 3 – 4 tháng tiếp theo.
Tuyến xe buýt điện D4, VinHome Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn là tuyến xe buýt điện đầu tiên trên địa bàn thành phố từ tháng 3/2022, phương tiện hoạt động hiện đại, sử dụng năng lượng điện thân thiện với môi trường, không phát thải khí nhà kính và tiếng ồn động cơ, thực hiện chủ trương phát triển phương tiện giao thông điện của Thành phố. Kể từ khi đi vào hoạt động, tuyến xe buýt điện D4 đã đem lại những tín hiệu tích cực, khối lượng vận chuyển của tuyến ngày một tăng dần, có nhiều những ý kiến khen ngợi, đánh giá tốt về chất lượng dịch vụ của tuyến. Phương tiện hoạt động trên tuyến được trang bị các tiện ích, phục vụ tốt cho hành khách nhằm thu hút hành khách sử dụng dịch vụ giao thông công cộng bằng xe buýt trên địa bàn thành phố và góp phần giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông khu vực phía đông thành phố.
Được biết, bình quân của tuyến xe buýt điện D4 năm 2022 đạt 22,5 hành khách/chuyến và năm 2023 bình quân đạt 29,5 hành khách/chuyến. Khối lượng vận chuyển tuyến xe buýt D4 liên tục tăng từ khi đưa tuyến vào hoạt động (tháng 3/2022) từ bình quân 14,1 lượt hành khách/chuyến tăng lên bình quân 30,6 hành khách/chuyến (tháng 12/2023), tuyến xe buýt này là một trong các tuyến xe buýt có sản lượng hành khách bình quân/chuyến cao trong hệ thống xe buýt có trợ giá trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Hiện nay, tuyến xe buýt D4 đang hoạt động với 11 phương tiện có sức chứa 67 chỗ, được trang bị các tiện ích phục vụ tốt cho hành khách như: sàn thấp và có thể nâng hạ phục vụ người khuyết tật, wifi, cổng sạc điện thoại, màn hình thông báo trạm dừng, camera giám sát an ninh và camera AI kiểm soát tình trạng lái xe khi điều khiển phương tiện. Tuyến có thời gian hoạt động từ 05 giờ đến 22 giờ, đây cũng là tuyến có thời gian hoạt động trễ nhất hệ thống xe buýt, phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách từ Trung tâm Thành phố với Thành phố Thủ Đức.
Theo đại diện Sở GTVT thì việc ủng hộ phát triển giao thông công cộng sử dụng năng lượng xanh phù hợp với chủ trương, chính sách về phát triển phương tiện sử dụng năng lượng điện tại Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng chính phủ về Phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Hiện Sở GTVT đang phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất, tham mưu “Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh” trong đó Giai đoạn 1: Chuyển đổi phương tiện sử dụng năng lượng xanh đối với xe buýt, taxi, xe công nghệ hoạt động trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Uyển Nhi