Theo thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng liên quan đến kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Điển hình như vụ xử phạt 25 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh 200 gói kẹo không rõ nguồn gốc; vụ tạm giữ 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc tại TP. Thủ Đức, trị giá gần 4,5 tỷ đồng, sau đó xử phạt 315 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ.
![]() |
Thực phẩm bẩn vẫn là nỗi lo thường trực ở TP. Hồ Chí Minh. |
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện gần 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu tại huyện Củ Chi, 18.200 chai bia nhập lậu tại Quận 12, và qua theo dõi mạng xã hội đã phát hiện hơn 1 tấn khô bò không rõ nguồn gốc đang được kinh doanh trái phép, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt 100 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ số hàng này.
Trước tình hình này, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh nhận định rằng tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố. Các mặt hàng vi phạm rất đa dạng, từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm đóng gói sẵn đến đường cát… Những vi phạm này không chỉ đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh lành mạnh. Các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung vào kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, sử dụng nguyên liệu hết hạn, không đảm bảo tiêu chuẩn, vi phạm về nhãn mác và điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh.
Để kiểm soát tình trạng trên, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã và đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp quyết liệt. Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát được đặc biệt chú trọng, với việc chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra đột xuất tại các khu vực trọng điểm như chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và các kho chứa hàng hóa. Trọng tâm là triển khai Kế hoạch hậu kiểm an toàn thực phẩm năm 2025 đối với các sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương.
![]() |
Kho sữa giả bị cơ quan chức năng phát hiện (Ảnh: VTV). |
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và ký cam kết với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn về việc không vận chuyển, tàng trữ, sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh, sữa và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389/TP, Sở Công Thương đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp liên ngành với các lực lượng chức năng như Công an, Y tế, An toàn thực phẩm để tạo sức mạnh tổng hợp trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn. Đồng thời, duy trì và công khai số điện thoại đường dây nóng của Chi cục Quản lý thị trường và các Đội Quản lý thị trường để kịp thời tiếp nhận phản ánh, khiếu nại từ người dân, khuyến khích người dân mạnh dạn tố giác các hành vi vi phạm.
Để kiểm soát nguồn gốc thực phẩm từ các tỉnh, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng đã triển khai các chương trình hợp tác với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường của các tỉnh, thành phố có lượng lớn nông sản, thực phẩm cung cấp cho TP. Hồ Chí Minh. Mục tiêu là kiểm soát chất lượng ngay tại nguồn sản xuất, tạo điều kiện cho sản phẩm đạt chuẩn, an toàn được đưa vào các hệ thống phân phối lớn và uy tín.
Đặc biệt, Chương trình "Tick xanh trách nhiệm", được triển khai từ tháng 3/2024, là một sáng kiến quan trọng nhằm xây dựng một hệ thống kiểm soát chất lượng hàng hóa dựa trên sự tự nguyện và trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng, từ nhà sản xuất, nhà cung cấp đến các hệ thống phân phối bán lẻ. Hiện đã có nhiều hệ thống bán lẻ lớn và các nhà sản xuất, kinh doanh uy tín tham gia. Mục tiêu dài hạn là tất cả sản phẩm lưu thông trên thị trường TP. Hồ Chí Minh đều được dán logo "Tick xanh trách nhiệm" kèm mã QR để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất thông tin.
Song song đó, Sở Công Thương chỉ đạo tăng cường phối hợp kiểm tra tại các cửa ngõ ra vào thành phố và các chợ đầu mối, tập trung vào kiểm tra các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, kiểm dịch và điều kiện an toàn thực phẩm trong quá trình vận chuyển, bảo quản.
Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh khẳng định, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, tùy thuộc vào hành vi và mức độ vi phạm. Nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm, các vụ việc sẽ được chuyển ngay đến cơ quan điều tra để xử lý theo đúng quy định.
![]() |
Các trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt sẽ kiên quyết chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. |
Thời gian tới, để tăng cường tính răn đe, bên cạnh các biện pháp đang được triển khai, Sở Công Thương cho biết sẽ xem xét và đẩy mạnh một số giải pháp mạnh mẽ hơn như:
Công khai thông tin vi phạm: Thành phố sẽ tiếp tục và mở rộng việc công bố danh tính các cơ sở, cá nhân vi phạm, chi tiết về hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện truyền thông và cổng thông tin điện tử của các cơ quan quản lý.
Tăng nặng chế tài xử phạt: Sở Công Thương sẽ nghiên cứu và đề xuất các cấp có thẩm quyền điều chỉnh mức phạt tiền theo hướng tăng lên, đặc biệt đối với các hành vi vi phạm mang tính hệ thống, tái phạm nhiều lần hoặc có động cơ thu lợi bất chính gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự: Đối với các trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây ra ngộ độc thực phẩm hàng loạt hoặc để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe cộng đồng, Sở Công Thương sẽ kiên quyết chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy phép kinh doanh: Các cơ sở cố tình vi phạm, không có biện pháp khắc phục hiệu quả hoặc tái phạm nhiều lần sẽ phải đối mặt với các biện pháp mạnh tay hơn như đình chỉ hoạt động trong thời gian dài hoặc thậm chí bị rút giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép hoạt động.
Xây dựng và liên thông cơ sở dữ liệu vi phạm: Một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung về các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm sẽ được thiết lập và liên thông giữa các ngành chức năng (Công Thương, Y tế/An toàn thực phẩm, Nông nghiệp, Công an, Thuế). Điều này giúp quản lý, giám sát chặt chẽ hơn và ngăn chặn các đối tượng này tiếp tục vi phạm dưới các hình thức khác.