Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM vừa tổ chức họp báo thông tin về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn. Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM chủ trì họp báo.
Hơn 2,2 triệu người cần tiêm cả 2 mũi vaccine
Thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 16-9, có 321.358 trường hợp mắc Covid phát hiện tại TPHCM được Bộ Y tế công bố, bao gồm 320.882 trường hợp mắc trong cộng đồng, 476 trường hợp nhập cảnh. Hiện đang điều trị 40.888 bệnh nhân, trong đó có 3.145 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.514 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 16-9 có 3.287 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ ngày 1-1-2021 đến nay là 164.294), 166 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ ngày 1-1-2021 đến nay là 12.934). Tổng số mũi vaccine đã triển khai tiêm đến ngày 16-9 là 8.563.863.
Thông tin về việc rút ngắn thời gian mũi 2 đối với vaccine AstraZeneca, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, Sở Y tế đã có văn bản đề xuất rút ngắn khoảng cách giữa 2 mũi tiêm AstraZeneca còn 6 tuần, với mong muốn bao phủ mũi 2 cho người dân. Tuy nhiên, Bộ Y tế chưa phản hồi nên TPHCM vẫn thực hiện theo hướng dẫn cũ (8-12 tuần).
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, hiện tại, TP còn 515.988 người cần tiêm mũi 1, người cần tiêm mũi 2 là 1.782.496 người. Trong số người cần tiêm mũi 2, cụ thể theo từng loại vaccine là Astra Zeneca 761.817 mũi, Moderna 111.283 mũi, Pfizer là 60.532, Vero Cell là 848.864 người. Tổng số cần tiêm cả 2 mũi đến ngày 30-9 là 2.296.484.
Về công tác điều trị tại các bệnh viện tầng 2 và tầng 3 tại TPHCM, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho rằng, tình hình điều trị so với năng lực điều trị có những số liệu đáng mừng, số bệnh nhân trên số giường thực tế là 69,8%. Tỷ lệ tầng 2 là 69,2%, tầng 3 là 77,5%. Trong khi đó, tỷ lệ phải sử dụng các biện pháp can thiệp trong điều trị khá cao.
Các bệnh viện đã sử dụng 76,7% ECMO; 69,7% lọc máu; 68,7% máy thở xâm lấn; 56,2% máy thở không xâm lấn; trong đó có 62,2% thở oxy. Đặc biệt, tầng 3 đã sử dụng 69,1% số máy thở xâm lấn, 65,5% máy thở không xâm lấn. Tỷ lệ tử vong ở tầng 2 và 3 tính chung là 5,9%. Tỷ lệ tử vong ở tầng 2 là 4,5%, ở tầng 3 là 33,4%.
Cấp bổ sung hơn 15.000 giấy đi đường cho các đơn vị
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết, hiện lực lượng chức năng chỉ kiểm tra duy nhất 1 ứng dụng VNEID tại các chốt kiểm soát. Nếu ứng dụng bị lỗi, khi đó có thể quét mã QR để khai báo trên suckhoe.dancuquocgia.gov.vn. Trường hợp đặc biệt, công an có thể kiểm tra giấy đi đường.
Ngày 17-9, Công an Thành phố ban hành công văn hướng dẫn số 3679 gửi Công an các địa phương yêu cầu tham mưu UBND địa phương để hướng dẫn, tổ chức tiếp nhận giải quyết cho các doanh nghiêp được hoạt động trở lại, đồng thời cấp trên 15.000 giấy đi đường để bổ sung cho các đơn vị.
Theo ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GT-VT, sở đã xây dựng bộ tiêu chí an toàn trong lĩnh vực giao thông vận tải và trình UBND TP phê duyệt. Sở GT-VT chủ động xây dựng phương án lưu thông trên địa bàn sau ngày 30-9. Đối với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM), đã lập các group zalo với lãnh đạo Sở GT-VT các tỉnh để kịp thời ghi nhận và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.
Từ 0 giờ ngày 16-9, TP cho phép một số hoạt động được mở lại, shipper chạy liên quận, một số doanh nghiệp và hộ kinh doanh được vận chuyển hàng hóa, thì lưu lượng giao thông đông hơn khoảng 5%, nhưng không xảy ra ùn ứ tại các chốt. Mặc dù phương tiện không nhiều, nhưng Sở GT-VT mong muốn người dân không nên tập trung tại các chốt.
Nhận định về thực trạng của ngành qua 9 tháng đầu năm, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho rằng, tình hình hoạt động chế biến lương thực thực phẩm rất khó khăn. Hội Lương thực Thực phẩm đã có kiến nghị với UBND TP và Sở Công thương tham mưu các giải pháp hỗ trợ phục hồi. Trong đó, kết nối các địa phương, các đơn vị cung ứng, hỗ trợ tìm kiếm bổ sung nguồn cung nguyên liệu cho ngành này.
Về giải pháp lâu dài, Sở Công thương đang đề xuất thành lập Hội đồng phát triển ngành chế biến lương thực thực phẩm, chức năng là tham mưu cho UBND Thành phố các dự án, giải pháp, định hướng chiến lược phát triển của ngành.
Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Phong, Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh TPHCM, Bộ Quốc phòng mới tăng cường 130 tổ quân y để phối hợp cùng y tế cơ sở chăm lo cho F0 tại nhà, nâng tổng số 530 tổ. Bộ Quốc phòng chưa có lệnh rút quân, tiêp tục thực hiện nhiệm vụ “Bao giờ chiến thắng mới trở về”.
Đại diện UB MTTQ Việt Nam TPHCM cho rằng, thời gian gần đây, Trung tâm An sinh lập ứng dụng để nhận phản ánh của người dân, nhưng thời gian đầu vận hành app chưa trôi chảy, hoặc xảy ra tình trạng người dân khai báo nhầm lẫn do thao tác.
Mai Anh