Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những quyết sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân

14:39 25/07/2024

Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ dừng ở những chính sách và nghị quyết mà còn ở tình cảm và sự quan tâm sâu sát dành cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cuộc gặp gỡ đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Doanh nhân trẻ Việt Nam
Cuộc gặp gỡ đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Doanh nhân trẻ Việt Nam vào năm 2011.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với 13 năm trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, cùng trái tim chân thành và nhiệt huyết, đã cống hiến không ngừng cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước, đồng thời củng cố niềm tin của nhân dân, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp với Đảng và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), chia sẻ rằng, kể từ Đại hội VI, Đảng ta khởi xướng công cuộc đổi mới và đề ra chính sách kinh tế nhiều thành phần, qua đó đã giải phóng và phát triển mạnh mẽ sức sản xuất, mang lại những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước; đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp.

Từ thời điểm đó, theo TS. Tô Hoài Nam, về cơ bản phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội luôn được đổi mới theo hướng không ngừng mở rộng dân chủ và công khai, điều đó được biểu hiện rõ nhất trong công tác xây dựng thể chế, xây dựng pháp luật trong phát triển kinh tế- xã hội.

Trên cương vị là người đứng đầu của Đảng, tư tưởng, tinh thần này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chú trọng nghiên cứu đổi mới về nhận thức, lý luận, từ đó có nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp thực hiện.

TS. Tô Hoài Nam nhấn mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với trí tuệ cùng trái tim chân thành và nhiệt huyết, đã đóng vai trò là người dẫn dắt, tạo nên những chủ trương và chính sách đổi mới, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nhân vươn lên. Sự lãnh đạo của ông không chỉ dựa vào lý luận mà còn được gắn bó mật thiết với thực tiễn, thể hiện qua các Nghị quyết quan trọng như Nghị quyết số 09-NQ/TW và Nghị quyết số 10-NQ/TW. Những Nghị quyết này không chỉ khẳng định vai trò then chốt của doanh nhân mà còn tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế và công nghiệp hóa.

Ngay trong nhiệm kỳ đầu đảm nhiệm cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, ngày 9/12/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị khóa XI ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”. Tại Nghị quyết số 09-NQ/TW, trong mục “Phát huy vai trò của các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân” nêu rõ: “Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và người sử dụng lao động ở Việt Nam”. Đây là một bước đi quan trọng đối với doanh nhân và doanh nghiệp.

Đến ngày 3/6/2017, Tổng Bí thư đã thay mặt Trung ương ký Nghị quyết số 10-NQ/TW, xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cụ thể, tại Nghị quyết 10-NQ/TW, Đảng ta xác định: Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP.

Nghị quyết số 10-NQ/TW đã tạo động lực phát triển mạnh mẽ đội ngũ doanh nhân. Cho đến nay, khu vực kinh tế tư nhân đã có tới hơn 800.000 doanh nghiệp, với khoảng 7 triệu doanh nhân, tạo thành lực lượng hùng hậu góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam có những bước phát triển nhảy vọt. Khu vực kinh tế tư nhân hiện đang đóng góp gần 45% vào GDP của cả nước, 1/3 thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, đặc biệt là tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước. Quy mô GDP của Việt Nam cũng đã nằm trong top 40 thế giới; quy mô thương mại quốc tế cũng nằm trong top 20 toàn cầu.

Nghị quyết số 10-NQ/TW có đề cập đến: Các giải pháp cụ thể đối với từng loại đối tượng doanh nghiệp như các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực phi chính thức. Tăng cường kết nối, liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân với nhau, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI.

Và gần đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Cũng như Nghị quyết số 09-NQ/TW, Nghị quyết số 41-NQ/TW tiếp tục xác định đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, nhưng có bổ sung thêm “là một trong những lực lượng nòng cốt” góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đảng ta và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt nhiệm vụ tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến. Đây cũng là lần đầu tiên, yếu tố “an toàn, bình đẳng” được đưa vào yêu cầu trong xây dựng môi trường kinh doanh, được giới doanh nhân chào đón.

Việc ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW thể hiện sự quán triệt sâu sắc của Đảng và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với việc phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia. Đây là tiền đề quan trọng để hình thành và phát triển các doanh nghiệp có quy mô, năng lực và trình độ cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

TS.Tô Hoài Nam nhấn mạnh, nhờ vào các quyết sách quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cộng đồng doanh nhân Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với nhiều doanh nhân đạt tầm cỡ khu vực và quốc tế. Vai trò của doanh nhân và doanh nghiệp tiếp tục được phát huy, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ảnh minh họa
TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME).

Bên cạnh đó, TS. Tô Hoài Nam chỉ rõ, với trọng trách là người đứng đầu của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh phải lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo, làm sự kiểm chứng, phát huy dân chủ sự sáng tạo của người dân, doanh nghiệp trong sự nghiệp phát triển kinh tế; đồng thời, giữ vững kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết chống tệ tham nhũng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiên quyết với quan điểm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực là “chống giặc nội xâm” là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi toàn thể hệ thống chính trị của chúng ta phải tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, “không nghỉ”, “không ngừng” phải “nhốt” quyền lực vào trong “lồng” cơ chế; phải chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

“Có thể khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều quyết sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân vào thời điểm khó khăn, giúp nền kinh tế phục hồi và phát triển trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều biến động và thách thức. Tư tưởng và phương châm hành động của ông đã tạo điều kiện cho doanh nhân phát huy tinh thần yêu nước và đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”, TS Tô Hoài Nam nhận định.

Dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ dừng ở những chính sách và nghị quyết mà còn ở tình cảm và sự quan tâm sâu sát dành cho cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2018 chính là một điển hình cho sự quan tâm đó.

Theo TS Tô Hoài Nam, Luật không chỉ tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc mà còn là minh chứng cho quyết tâm của ông trong việc xây dựng nền tảng vững chắc cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là đạo luật cực kỳ quan trọng nhằm thực hiện thể chế hóa các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng đối sự phát triển của doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Đồng thời, thiết lập đồng bộ các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo hành lang pháp lý vững chắc, đặt nền móng cho sự thành công và phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở nước ta.

Mỗi kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Tổng Bí thư đều gửi lẵng hoa chúc mừng (Tại Đại hội lần thứ II, trên cương vị là Chủ tịch Quốc hội và Đại hội lần thứ III, Đại hội lần thứ IV trên cương vị Tổng Bí thư). Đặc biệt, trước khi tiến hành tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ III, Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã vinh dự được gặp để báo cáo tình hình hoạt động cũng như đề xuất tâm tư, nguyện vọng với Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là nguồn cổ vũ to lớn cho doanh nghiệp cũng như toàn thể cán bộ cơ quan Trung ương Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

TS. Tô Hoài Nam khẳng định: Di sản mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng để lại là nguồn động lực to lớn và mạnh mẽ cho cán bộ, đảng viên, chiến sỹ, doanh nhân và toàn thể nhân dân. Những chính sách đổi mới, sự lãnh đạo quyết đoán và tấm lòng chân thành của ông đã góp phần quan trọng vào sự phát triển không ngừng của đất nước, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và toàn thể cán bộ cơ quan Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Trí Kiên - Bảo Trinh