"Tóm sống" nhiều loại củ đội lốt sâm Ngọc Linh Kon Tum

07:01 04/03/2021

Thông tin từ Bộ Công Thương, sau 2 tháng mật phục, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 - Cục QLTT tỉnh Kon Tum đã phối hợp với Công an huyện Đăk Tô vây bắt vụ vận chuyển các loại củ rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Nhiều loại củ có vẻ bề ngoài rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum. Các đối tượng đã gian dối, "hô biến" những củ này thành Sâm Ngọc Linh để bán cho người tiêu dùng.

Kẻ gian thường dùng những loại củ, rễ có hình thứ na ná với Sâm Ngọc Linh để

Kẻ gian thường dùng những loại củ, rễ có hình thứ na ná với Sâm Ngọc Linh để "đội lốt" sâm xịn rồi bán ra thị trường. (Ảnh: minh họa)

Chiêu trò của những đối tượng này là đem những loại củ, rễ có hình thức rất giống với sâm Ngọc Linh Kon Tum về đúng vùng đất được coi là "thủ phủ của sâm Ngọc Linh" rồi từ đó tạo niềm tin cho khách hàng rồi bán... sâm Ngọc Linh giả.

Quá trình phá án, lực lượng chức năng phát hiện xe khách chạy từ phía Bắc vào, khi đến địa bàn huyện Đắk Tô đã bỏ xuống 3 thùng xốp, bên ngoài ghi "hoa phong lan Đắk Tô".

Tất cả số thùng này đều không ghi địa chỉ người gửi, người nhận. Tiến hành khu mở để kiểm tra lực lượng chức năng phát hiện có 2kg củ và 12kg lá rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum. Trong số hàng trên, có 2 củ lớn (kèm lá) nặng gần 3 lạng/củ. Còn lại là các củ nhỏ.

Đội trưởng Đội QLTT số 2 cho biết: "Đây là các loại củ từ các tỉnh miền núi phía Bắc vận chuyển đưa vào địa bàn huyện Đăk Tô sau đó đội lốt sâm Ngọc Linh Kon Tum để lừa bán cho người tiêu dùng".

Sâm Ngọc Linh Kon Tum nở hoa

Sâm Ngọc Linh Kon Tum nở hoa.

Lâu nay, Sâm Ngọc Linh được coi là “quốc bảo” của Việt Nam, được phân bố ở khu vực rừng núi cao ở Kon Tum và Quảng Nam. Tại KonTum, huyện Đắk Tô là cửa ngõ trước khi đi lên vùng núi Ngọc Linh - nơi đây được xem là thủ phủ của sâm Ngọc Linh Kon Tum. Sâm Ngọc Linh rất có giá trị, mỗi ký có giá từ hàng chục đến cả trăm triệu đồng tùy loại.

Tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung sâm Ngọc Linh vào danh mục sản phẩm quốc gia, thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020. Sâm Ngọc Linh cũng là sản phẩm quốc gia đầu tiên trong lĩnh vực dược liệu. Là một trong hai địa phương được Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chỉ dẫn địa lý sản phẩm Sâm củ Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum đang có những bước đi vững chắc để bảo tồn, phát triển cây sâm và xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm này.

Sâm Ngọc Linh (danh pháp khoa học: Panax vietnamensis) là một loài cây thuộc họ Cam tùng (Araliaceae), còn gọi là sâm Việt Nam, sâm Khu Năm (sâm K5), sâm trúc (sâm đốt trúc, trúc tiết nhân sâm) củ ngải rọm con hay cây thuốc giấu. Là loại sâm quý được tìm thấy tại miền Trung Trung bộ Việt Nam, mọc tập trung ở các huyện miền núi Ngọc Linh, thuộc huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ngoài Ngọc Linh, sâm còn phân bố tại núi Ngọc Lum Heo thuộc xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn và còn có thể có ở đỉnh Ngọc Am, tỉnh Quảng Nam theo những kết quả điều tra mới nhất. Trên độ cao 1.200 đến 2.600m, sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn.

Qua tìm hiểu được biết, sâm tự nhiên giá dao động theo thị trường, phụ thuộc vào người dân tìm được ít hay nhiều nên giá chỉ nằm trong khoảng, áp dụng trong1 thời gian nhất định. Sâm tự nhiên loại 3 củ/kg có giá Khoảng 200 triệu/kg; Sâm tự nhiên loại 4–5 củ/kg có giá Khoảng 90 triệu/kg; Sâm tự nhiên loại 8–10 củ/kg có giá Khoảng 60 triệu/kg; Sâm tự nhiên loại 15–20 củ/kg có giá Khoảng 55 triệu/kg; Sâm tự nhiên loại 30 củ /kg trở lên có giá Khoảng 30 triệu/kg.

Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới, được coi là

Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới, được coi là "quốc bảo" của Việt Nam.

Vì giá trị rất cao của loại sâm này, thời gian qua rất nhiều tư thương đã thu gom các loại củ như tam thất, điền trúc, rất giống sâm Ngọc Linh Kon Tum từ các tỉnh miền Bắc để đưa vào địa bàn huyện Đăk Tô rồi hô biến thành sâm Ngọc Linh Kon Tum, đem bán ra thị trường.

Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế Việt Nam, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin.

Những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh hơn nữa, lên tổng cộng 52 loại. Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới. Hợp chất hóa học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người khiến sâm Ngọc Linh hiện nay được bán trên thị trường với giá càng ngày càng cao, thậm chí còn cao hơn sâm Triều Tiên nhiều lần

Chính vì giá trị to lớn của sâm Ngọc Linh, ngày càng có nhiều loại sâm mạo danh, đội lốt sâm Ngọc Linh Kon Tum, Quảng Nam, được bán với giá ngang ngửa sâm chính hiệu. Hành vi này đã gây ra những ảnh hưởng to lớn đối với thương hiệu sâm Ngọc Linh Kon Tum.

Được biết, đến nay tại tỉnh Kon Tum chỉ có 3 đơn vị được cấp phép và có đủ điều kiện để trồng, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh. Các đơn vị này gồm có Công ty TNHH - MTV Lâm nghiệp Đăk Tô (trồng gần 20ha); Công ty Cổ phần Vingin (trồng 200ha) và Công ty Cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum (600ha).

Trần Linh