Tình hình đăng ký doanh nghiệp
Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có 24 nghìn doanh nghiệp (chiếm 28,1% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường), tăng 6,6%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 43,2 nghìn doanh nghiệp, chiếm 50,5% tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trong tháng 8/2021, cả nước có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 68 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 43,4 nghìn người, giảm 34,1% về số doanh nghiệp, giảm 44,6% về vốn đăng ký và giảm 39,1% về số lao động so với tháng 07/2021; giảm 57% về số doanh nghiệp, giảm 76,5% về số vốn đăng ký và giảm 54,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 11,8 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng trước và giảm 45,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng, cả nước có 3.865 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 21,9% so với tháng trước và giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 6.441 doanh nghiệp, giảm 34,9% so với tháng trước và giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2020[10], trong đó: 3.118 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 31,1% và tăng 0,5%; 2.511 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 36,1% và giảm 26,7%; 812 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 43,7% và giảm 42,7%.
Tính chung 8 tháng năm 2021, cả nước có 81,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là gần 1.133,4 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 598,9 nghìn lao động; giảm 8% về số doanh nghiệp, giảm 7,5% về vốn đăng ký và giảm 13,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng đạt 13,9 tỷ đồng, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính cả 1.539,4 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 30,1 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2021 là gần 2.672,8 nghìn tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, còn có 32,4 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2021 là 114 nghìn doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có gần 14,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, trong 8 tháng năm nay có 1.388 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm 2020; 22,1 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 16%; 58,1 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 4,2%. Ba trong 17 lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng: Kinh doanh bất động sản tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước; vận tải kho bãi tăng 9,3%; thông tin và truyền thông tăng 5%. Số lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Sản xuất phân phối điện, nước, gas giảm 73%; dịch vụ lưu trú ăn uống giảm 18,2%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác giảm 16,1%; nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 10,6%; xây dựng giảm 10,2%; bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy giảm 6,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,9%; giáo dục và đào tạo giảm 4,7%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác giảm 4,4%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội giảm 1,3%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 0,1%.
Cũng trong 8 tháng năm nay, có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020, bao gồm: 43,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước; 30,1 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 24,5%; 12,2 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,8%. Trong đó có 10.822 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 18,1%; 140 doanh nghiệp có vốn trên 100 tỷ đồng, giảm 16,7%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 4.507 doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1.415 doanh nghiệp; xây dựng có 1.080 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 732 doanh nghiệp; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 700 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 624 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản có 611 doanh nghiệp; vận tải, kho bãi có 540 doanh nghiệp; giáo dục, đào tạo có 404 doanh nghiệp; thông tin và truyền thông có 380 doanh nghiệp; nông, lâm nghiệp và thủy sản có 273 doanh nghiệp; sản xuất phân phối điện, nước, gas 262 doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng có gần 10,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Những con số thống kê về đầu tư
Nhằm kiểm soát và khống chế sự lây lan của dịch Covid-19, nhiều địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các dự án đầu tư công.
Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn Ngân sách Nhà nước tháng Tám giảm 7,1% so với tháng Bảy, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước.. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài tính đến 20/8/2021 đăng ký cấp mới giảm 36,8% so với cùng kỳ năm 2020 nhưng số vốn đăng ký tăng 16,3%. Vốn đăng ký cấp mới bình quân 1 dự án trong 8 tháng năm 2021 đạt 10 triệu USD/dự án (cùng kỳ năm 2020 đạt 5,4 triệu USD/dự án).
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8/2021 ước tính đạt 34,9 nghìn tỷ đồng, giảm 24,7% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương quản lý 6,7 nghìn tỷ đồng, giảm 19,7%; vốn địa phương quản lý 28,2 nghìn tỷ đồng, giảm 25,8%. Tính chung 8 tháng năm 2021, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 244,9 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1% kế hoạch năm và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2020 bằng 48% và tăng 28%), cụ thể:
Vốn Trung ương quản lý đạt 41,6 nghìn tỷ đồng, bằng 49,6% kế hoạch năm và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bộ Giao thông Vận tải đạt 20.876 tỷ đồng, bằng 52,8% và tăng 59,3%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 2.174 tỷ đồng, bằng 47,6% và giảm 10,8%; Bộ Y tế 1.298 tỷ đồng, bằng 33,8% và giảm 54,9%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 779 tỷ đồng, bằng 39,2% và giảm 38,1%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 590 tỷ đồng, bằng 44,3% và giảm 0,7%; Bộ Công Thương 435 tỷ đồng, bằng 40,4% và tăng 81,4%; Bộ Xây dựng 385 tỷ đồng, bằng 57,3% và tăng 78,7%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 344 tỷ đồng, bằng 38,1% và tăng 5,4%; Bộ Thông tin và Truyền thông 176 tỷ đồng, bằng 33,2% và tăng 88,2%; Bộ Khoa học và Công nghệ 135 tỷ đồng, bằng 39,4% và tăng 7,9%.
Vốn địa phương quản lý đạt 203,3 nghìn tỷ đồng, bằng 51,5% kế hoạch năm và giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 136,8 nghìn tỷ đồng, bằng 49,3% và bằng số cùng kỳ năm 2020; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 56 nghìn tỷ đồng, bằng 54,8% và giảm 4,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 10,5 nghìn tỷ đồng, bằng 68,8% và giảm 6,2%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2021 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 27.462 tỷ đồng, bằng 54% kế hoạch năm và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước; Thành phố Hồ Chí Minh 13.267 tỷ đồng, bằng 37,1% và giảm 27,4%; Quảng Ninh 11.695 tỷ đồng, bằng 66,1% và tăng 22,2%; Thanh Hóa 6.504 tỷ đồng, bằng 63,1% và tăng 2,3%; Hải Phòng 6.431 tỷ đồng, bằng 47,8% và tăng 11,7%; Bà Rịa - Vũng Tàu 5.864 tỷ đồng, bằng 54% và tăng 21%; Bình Dương 5.136 tỷ đồng, bằng 41,6% và giảm 28,4%; Bình Định 4.532 tỷ đồng, bằng 55,2% và tăng 1,5%; Đà Nẵng 4.343 tỷ đồng, bằng 60,2% và tăng 59,8%.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam[11] tính đến ngày 20/8/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỷ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký cấp mới có 1.135 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 11,33 tỷ USD, giảm 36,8% về số dự án và tăng 16,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 5,13 tỷ USD, chiếm 45,3% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 4,45 tỷ USD, chiếm 39,2%; các ngành còn lại đạt 1,75 tỷ USD, chiếm 15,5%. Trong số 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng, Xin-ga-po là nhà đầu tư lớn nhất với 4,93 tỷ USD, chiếm 43,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản 2,38 tỷ USD, chiếm 21%; Đặc khu hành chính Hồng Công (TQ) 1,06 tỷ USD, chiếm 9,4%; Trung Quốc 836,3 triệu USD, chiếm 7,4%; Hàn Quốc 758,9 triệu USD, chiếm 6,7%; Hoa Kỳ 364,1 triệu USD, chiếm 3,2%.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 639 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 4,98 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu tính cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8,56 tỷ USD, chiếm 52,5% tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm; ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 5,39 tỷ USD, chiếm 33%; các ngành còn lại đạt 2,36 tỷ USD, chiếm 14,5%.
Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.720 lượt với tổng giá trị góp vốn 2,81 tỷ USD, giảm 42,9%. Trong đó, có 1.092 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 1,75 tỷ USD và 1.628 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,06 tỷ USD. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 696 triệu USD, chiếm 24,7% giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 557,4 triệu USD, chiếm 19,8%; lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 392,7 triệu USD, chiếm 14%; các ngành còn lại 1,17 tỷ USD, chiếm 41,5%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 8 tháng năm 2021, ước tính đạt 11,58 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 8,31 tỷ USD, chiếm 71,7% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,44 tỷ USD, chiếm 12,4%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí đạt 1,09 tỷ USD, chiếm 9,4%.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng năm 2021 có 40 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 150,1 triệu USD, giảm 31,3% so với cùng kỳ năm trước; có 13 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 424,9 triệu USD, gấp 3,8 lần so với cùng kỳ năm trước[12]. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 575 triệu USD, tăng 74,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 270,8 triệu USD, chiếm 47,1% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 150,9 triệu USD, chiếm 26,2%; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 98,4 triệu USD, chiếm 17,1%. Trong 8 tháng có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Hoa Kỳ là nước dẫn đầu với 302,8 triệu USD, chiếm 52,7% tổng vốn đầu tư; Cam-pu-chia 89,4 triệu USD, chiếm 15,5%; Lào 47,8 triệu USD, chiếm 8,3%; Ca-na-da 32,1 triệu USD, chiếm 5,58%; Pháp, Đức, Hà Lan cùng đạt 32 triệu USD, cùng chiếm khoảng 5,57%.
Nguồn: Tổng cục Thống kê