Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã ra thông báo không khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật Bản. Lý do DOC đưa ra là đơn kiện của nguyên đơn thiếu căn cứ để khởi xướng. Cụ thể, phạm vi sản phẩm của lệnh áp thuế với Nhật Bản chỉ bao gồm HRS, CRS và đã loại trừ các sản phẩm CORE.
Vì vậy DOC cho rằng, không có căn cứ để mở rộng lệnh áp thuế chống bán phá giá thép cán nóng (HRS), thép cán nguội (CRS) của Nhật Bản với sản phẩm CORE của Việt Nam (theo quy định tại Mục 781(c)(2) của Đạo luật thuế quan 1930 của Hoa Kỳ). Đây cũng là lập luận của các doanh nghiệp Việt Nam và một số bên liên quan khác gửi lên DOC.
Đối với lập luận của nguyên đơn về việc vào thời điểm ra quyết định áp thuế với Nhật Bản, cơ quan điều tra Hoa Kỳ chưa lường trước được khả năng Việt Nam sử dụng HRS và CRS của Nhật Bản để sản xuất CORE nhằm lẩn tránh thuế, DOC cho rằng việc loại trừ sản phẩm CORE khỏi lệnh áp thuế với Nhật Bản là có chủ đích do CORE là sản phẩm phổ biến và Hoa Kỳ đã điều tra, áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép CORE trong rất nhiều vụ việc khác. Vì vậy lập luận của nguyên đơn là không có cơ sở.
Cục Phòng vệ thương mại lưu ý DOC thông báo đây là quyết định cuối cùng đối với cáo buộc và sẽ không xem xét bất kỳ bình luận/yêu cầu nào tiếp theo liên quan đến kết luận này. Bởi vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu thép CORE của Việt Nam sẽ không bị Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh thuế do cáo buộc sử dụng nguyên vật liệu nhập từ Nhật Bản.
Tuy nhiên, cùng với niềm vui lấy lại được sự trong sạch cho thép chúng ta thì để bảo đảm quyền và lợi ích, Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo doanh nghiệp đảm bảo tuân thủ đúng các quy định về sản xuất và chứng nhận xuất xứ, tránh trở thành đối tượng điều tra trong các vụ việc chống lẩn tránh thuế khác trong tương lai.
Đỗ Nhung