Toàn cảnh tọa đàm Giải pháp khôi phục và phát triển du lịch TP. Đà Nẵng.
Doanh nghiệp du lịch hoạt động trở lại
Theo khảo sát của Quỹ Xúc tiến phát triển Du lịch TP. Đà Nẵng, hiện nay, mới có khoảng 50% số doanh nghiệp du lịch ở Thành phố hoạt động trở lại. Các khách sạn mở cửa chủ yếu là 4 sao và 5 sao, còn khách sạn dưới 3 sao phần lớn là đóng cửa; nhiều khách sạn rao bán; doanh nghiệp vận tải du lịch gần như ngưng trệ. TP. Đà Nẵng có khoảng 52.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch. Trong đợt khảo sát lần thứ nhất, có khoảng 40.000 lao động ngừng việc, thất nghiệp. Còn tại lần khảo sát thứ 2, có khoảng 45.000 lao động ngừng việc, thất nghiệp. Các doanh nghiệp chỉ giữ được lực lượng chủ chốt, còn lao động phổ thông thì phải cho nghỉ việc, tạm nghỉ việc. Có khoảng 30% doanh nghiệp du lịch tại Đà Nẵng dự kiến sẽ không còn vốn duy trì hoạt động đến cuối năm nay nếu không có giải pháp.
Lo ngại lớn nhất của doanh nghiệp là dịch bùng phát trở lại, thứ hai là doanh nghiệp không còn đủ sức để tồn tại, không đủ nhân lực để quay lại. Nếu không có sự hỗ trợ thì doanh nghiệp khó lòng vượt qua trong năm 2021.
Về khảo sát các gói hỗ trợ thì hiệu quả nhất vẫn là gói 62.000 tỷ của Chính phủ cho người lao động, sau đó là gói giảm gần 300 tỷ của Điện lực Đà Nẵng cho doanh nghiệp du lịch; các chương trình kích cầu điểm đến của Sở Du lịch, các chương trình đào tạo nhân lực...
Hiện du khách đã quay lại miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng, tuy nhiên, tại đây vẫn chưa ghi nhận tín hiệu "bùng nổ", nên các doanh nghiệp vẫn ở trong tâm thế cân nhắc giữa doanh thu và chi phí khi mở cửa hoạt động trở lại.
Thành phố sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp
Thành phố Đà Nẵng sẽ hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp du lịch
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQL Quỹ Xúc tiến phát triển Du lịch TP. Đà Nẵng cho biết: “Để hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi đề xuất tập trung vào 2 nhóm nội dung. Thứ nhất là giúp doanh nghiệp tồn tại, vượt qua khó khăn. Thứ hai là làm cho doanh nghiệp phục hồi”.
Đối với nhóm thứ nhất, theo ông Dũng, quan tâm hàng đầu là giải pháp tài chính-tín dụng. Các doanh nghiệp cần có thêm giải pháp mạnh mẽ từ các ngân hàng để khoanh nợ, giãn nợ và cho vay mới.
Đối với nhóm khôi phục, ông Dũng đề xuất cần hình thành những nhóm sản phẩm mới, nhóm sản phẩm mang thương hiệu Đà Nẵng, mang lại trải nghiệm mới như: Tuyến du lịch biển đảo, các tour về đêm, phố đi bộ, ẩm thực, mua sắm mới cho du khách.
Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, du lịch là một trong 3 trụ cột chính và 5 mũi nhọn trong định hướng phát triển của Thành phố. Việc ảnh hưởng quá nặng nề của đại dịch COVID-19, gây thiệt hại của doanh nghiệp vẫn là điều mà lãnh đạo Thành phố rất trăn trở.
Bí Thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng đây là thời điểm cần chuẩn bị tốt các điều kiện. Thành phố sẽ dùng nguồn lực của đầu tư công và các nguồn lực của xã hội hóa khác để đầu tư, tạo ra các sản phẩm du lịch mới thu hút khách nội địa và sẵn sàng đón dòng khách quốc tế khi có đủ điều kiện.
"Lãnh đạo TP. Đà Nẵng đang có chủ trương làm việc với các nhà đầu tư có uy tín để chỉnh trang lại toàn bộ sông Hàn. Chúng tôi coi sông Hàn là một sản phẩm hiếm có ở địa phương mà không nơi nào có được. Sắp tới, Thành phố sẽ xây dựng đề án sông Hàn về đêm, chỉnh trang lại toàn bộ hệ thống ánh sáng của 6 cây cầu, ánh sáng của 2 bên bờ sông, tạo ra các hoạt động ánh sáng về đêm. Hiện cũng đã có nhà đầu tư muốn đưa sản phẩm đua thuyền buồm vào sông Hàn", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết.
Dịp này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị UBND TP. Đà Nẵng cùng các sở, ngành cần quyết liệt, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh để sớm triển khai hiệu quả sàn giao dịch trực tuyến.
Lãnh đạo Thành phố cũng lưu ý bản thân các doanh nghiệp du lịch không trông chờ vào sự hỗ trợ của chính quyền mà chủ động đổi mới và nắm bắt cơ hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần đồng hành với Thành phố trong công tác phòng chống dịch, bởi đây là điều kiện tiên quyết để bảo đảm niềm tin cho du khách khi quay lại Thành phố.
PV