![]() |
TikTok Shop vượt Shein và Sephora trong cuộc đua mua sắm trực tuyến tại Mỹ (Ảnh: Getty Images). |
TikTok Shop đã vượt qua các "ông lớn" bán lẻ trực tuyến như Shein và Sephora trong cuộc cạnh tranh thị phần tại Mỹ.
Theo báo cáo xu hướng tiêu dùng năm 2025 do Coefficient Capital và Dan Frommer từ The New Consumer thực hiện, thói quen chi tiêu của người Mỹ có thể tác động đến các thương hiệu nhất định. Báo cáo này dựa trên 11 cuộc khảo sát với hơn 3.000 người tiêu dùng tại Mỹ, trong đó khảo sát mới nhất được thực hiện vào tháng 12 này.
Ra mắt vào tháng 9/2023, TikTok Shop là một nhà bán lẻ trực tuyến tương đối mới so với các đối thủ. Tuy nhiên, báo cáo xu hướng tiêu dùng cho biết có tới 80% người dùng TikTok tại Mỹ – những người sử dụng ứng dụng ít nhất một lần mỗi tháng đã biết đến TikTok Shop, cho thấy sự lan tỏa ngày càng mạnh mẽ của nền tảng này. Nhờ vào độ phủ sóng này, TikTok Shop đã vượt qua các nhà bán lẻ như Sephora, Shein và Qurate trong chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ trong quý tài chính thứ ba, theo báo cáo.
Sephora và Shein vốn là hai nhà bán lẻ trực tuyến nổi tiếng tại Mỹ, đặc biệt thu hút thế hệ trẻ như Gen Alpha (những người sinh sau năm 2010). Trong khi đó, Qurate Retail Group sở hữu và vận hành 6 thương hiệu bán lẻ, bao gồm QVC, và bán hàng qua các nền tảng trực tuyến.
Sephora đã giúp công ty mẹ LVMH đạt doanh thu kỷ lục 10 tỷ USD tại khu vực Bắc Mỹ vào năm 2023. Cùng năm đó, Shein đạt mức lợi nhuận 2 tỷ USD. Mặc dù báo cáo tài chính quý III của Qurate cho thấy doanh thu đã giảm 5%, công ty vẫn đạt 152 triệu USD lợi nhuận hoạt động.
Vào tháng 3, Financial Times dẫn lời ba nguồn tin cho biết, TikTok đã đạt doanh số 16 tỷ USD tại Mỹ. Dù hiện tại vẫn chưa rõ TikTok Shop đã kiếm được bao nhiêu kể từ khi ra mắt, nhưng theo báo cáo kinh tế năm 2024 của TikTok, ứng dụng này đã mang lại 15 tỷ USD doanh thu cho các doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ.
Báo cáo xu hướng tiêu dùng cho thấy, 45% người được khảo sát đã mua sắm các mặt hàng "thời trang, quần áo và phụ kiện" trên TikTok Shop, trong khi các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cá nhân đứng thứ hai với 44%. Người dùng TikTok cũng mua sắm các mặt hàng như đồ điện tử, nội thất, thực phẩm, đồ chơi, sách và nhiều sản phẩm khác từ cửa hàng trực tuyến này.
Trong những năm gần đây, TikTok đã dẫn đầu sự phát triển của các ứng dụng mua sắm trên mạng xã hội tại Mỹ. ByteDance, công ty mẹ của TikTok tại Trung Quốc, dường như đang cố gắng tái hiện thành công của Douyin – ứng dụng "chị em" tại Trung Quốc, khi ứng dụng này đã mang về hàng trăm tỷ USD doanh số hàng năm, chủ yếu thông qua các buổi livestream của KOLs và những người có ảnh hưởng (influencers).
Thách thức pháp lý tại thị trường Mỹ
Dù ngày càng được ưa chuộng bởi người sáng tạo nội dung và người tiêu dùng, TikTok đang đối mặt với nguy cơ bị cấm tại Mỹ vào tháng tới.
Vào tháng 4, Quốc hội Mỹ đã thông qua Đạo luật Bảo vệ Người Mỹ khỏi ứng dụng do các đối thủ ngoại quốc kiểm soát. Đạo luật này yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok trước ngày 19/1 hoặc đối mặt với lệnh cấm tại Mỹ. Vào ngày 6/12, một tòa phúc thẩm liên bang đã giữ nguyên phán quyết rằng lệnh cấm này là hợp hiến.
Theo đó, các nhà lập pháp lo ngại Chính phủ Trung Quốc có thể buộc TikTok phải thao túng nội dung cho mục đích tuyên truyền hoặc sử dụng dữ liệu cá nhân của hàng triệu người Mỹ.
Trước nguy cơ bị cấm, TikTok đã triển khai chương trình khuyến mãi "ưu đãi có thời hạn" trong tuần này, cho phép người dùng kiếm được 50 USD tín dụng TikTok Shop khi mời một người dùng mới. Người dùng có thể nhận tối đa 350 USD tín dụng mua sắm từ chương trình này.
![]() Giá vàng thế giới ghi nhận mức tăng nhẹ trước cuộc họp chính sách của Fed. Điều này phản ánh kỳ vọng của thị trường về đợt cắt giảm lãi suất cuối cùng của năm 2024. |
![]() Tình thế khó khăn hiện tại của ByteDance với TikTok chỉ là dấu hiệu ban đầu của những gì sẽ xảy ra, khi nhiều công ty bị mắc kẹt giữa cả hai phía Mỹ và Trung Quốc. |
![]() Vị thế của OPEC trên thị trường dầu mỏ đang suy giảm, và tình trạng nguồn cung dư thừa vào năm tới có khả năng làm giảm thêm sự kiểm soát của nhóm này. |
![]() Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ ngày 6 tháng 12 đã giữ nguyên luật buộc ByteDance, chủ sở hữu TikTok, phải thoái vốn tại Hoa Kỳ trước đầu năm sau, làm gia tăng khả năng về lệnh cấm ứng dụng này. |