![]() |
TikTok và công ty mẹ kiến nghị tạm hoãn lệnh cấm tại Mỹ |
TikTok và công ty mẹ tại Trung Quốc, ByteDance, đã gửi bản kiến nghị khẩn cấp lên Tòa Phúc thẩm Hoa Kỳ tại Quận Columbia nhằm ngăn chặn tạm thời một đạo luật có thể dẫn đến lệnh cấm ứng dụng này tại Mỹ vào tháng tới.
Trong bản kiến nghị, TikTok lập luận nếu không có biện pháp cứu trợ khẩn cấp, nền tảng sẽ phải ngừng hoạt động đối với hơn 170 triệu người dùng hàng tháng tại Hoa Kỳ.
“Việc trì hoãn thi hành đạo luật sẽ tạo thêm thời gian để Tòa án Tối cao xem xét lại vấn đề một cách thấu đáo và cho chính quyền mới đánh giá toàn diện tình hình”, TikTok nhấn mạnh trong bản kiến nghị.
Nếu không có lệnh tạm dừng, TikTok có thể bị cấm tại Mỹ trong vòng 6 tuần, khiến nền tảng video này trở nên kém giá trị hơn nhiều đối với ByteDance và các nhà đầu tư. Đồng thời, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp phụ thuộc vào TikTok để thúc đẩy doanh số bán hàng của họ.
Cuối tuần trước, một hội đồng gồm ba thẩm phán của Tòa án phúc thẩm Mỹ đã tiếp tục duy trì luật yêu cầu ByteDance phải thoái vốn khỏi TikTok tại nước này vào đầu năm sau hoặc phải đối mặt với lệnh cấm chỉ trong vòng 6 tuần.
Đội ngũ pháp lý của ByteDance và TikTok tin rằng Tòa án Tối cao có khả năng sẽ xem xét lại vụ việc và có thể đảo ngược phán quyết hiện tại. Do đó, họ cho rằng việc tạm dừng thi hành luật là cần thiết để có thêm thời gian xem xét kỹ lưỡng vấn đề.
ByteDance và TikTok cũng cho rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tuyên thệ sẽ ngăn chặn lệnh cấm đối với TikTok, đồng thời lập luận trong bản kiến nghị rằng sự chậm trễ "sẽ cho chính quyền mới có thời gian để xác định lập trường của mình - điều này có thể bác bỏ cả những tác hại sắp xảy ra và nhu cầu xem xét lại của Tòa án tối cao Mỹ".
TikTok cũng cảnh báo rằng phán quyết của tòa sẽ làm gián đoạn "dịch vụ cho hàng chục triệu người dùng TikTok bên ngoài nước Mỹ”. Ứng dụng này giải thích rằng TikTok dựa vào hàng trăm nhà cung cấp dịch vụ tại Mỹ để thực hiện các công việc như bảo trì hệ thống, phân phối ứng dụng và cập nhật phần mềm. Nếu lệnh cấm có hiệu lực vào ngày 19/1, các nhà cung cấp dịch vụ này sẽ không thể tiếp tục hỗ trợ cho nền tảng TikTok nữa. Điều này đồng nghĩa với việc TikTok sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì hoạt động, cập nhật tính năng mới và sửa lỗi, ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của cả những người dùng bên ngoài nước Mỹ.
TikTok đã kiến nghị Tòa án phúc thẩm Mỹ ra phán quyết đối với đề nghị tạm dừng lệnh cấm trước ngày 16/12.
Trước đó, năm 2020, chính quyền Trump cũng đã ban hành lệnh cấm các ứng dụng WeChat và QQ Wallet của Tencent sở hữu, tuy nhiên sau đó các tòa án liên bang đã chặn lệnh cấm này.
Nếu lệnh cấm được áp dụng, TikTok không chỉ phải đối mặt với thiệt hại tài chính mà còn tạo ra tiền lệ nguy hiểm cho các ứng dụng thuộc sở hữu nước ngoài khác tại Mỹ. Ngược lại, nếu chính quyền Tổng thống đắc cử Trump can thiệp kịp thời, TikTok có thể thoát khỏi nguy cơ bị xóa sổ, mở đường cho việc tái định hình chính sách công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc.