Tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2022 đạt 7,57%
Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 9 tháng đầu năm ước đạt 46.333 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 7,57% so cùng kỳ (quí 1 tăng 3,5%, quí 2 tăng 5,13%, quí III tăng 14,41%); khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,19%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 13,96% và khu vực dịch vụ tăng 7,35 % (bao gồm thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm); Nếu tách riêng thuế sản phẩm thì khu vực dịch vụ tăng 9,13 % và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 0,74% so cùng kỳ.
Trong 7,57% tăng trưởng thì khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 16%, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp 50,1%, khu vực dịch vụ đóng góp 34,5% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm làm giảm 0,6%. Tăng trưởng 9 tháng đầu năm 2022 của tỉnh đã vượt kế hoạch năm (tăng từ 6 đến 7%), nguyên nhân tăng cao là do quí III năm 2021 trên địa bàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch covid – 19, năm nay dịch bệnh được khống chế, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
Trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng hơn 26,9% so cùng kỳ năm trước và đạt 89,6% chỉ tiêu cả năm; trong đó, riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương.
Tiền Giang đang đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 đạt 3,6 tỷ USD, tăng hơn 15,9% so năm 2021 và vượt 7,46% kế hoạch năm 2022.
Theo đó, sản xuất nông nghiệp ổn định, sản lượng rau màu tăng 3,1%; sản lượng trái cây tăng 4,3%; đàn heo tăng 5,9%, đàn bò tăng 1,4%, đàn gia cầm tăng 0,6%; sản lượng thủy sản tăng 4,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 16,6% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước 9 tháng đầu năm ước 7.562 tỷ đồng, tăng 15,9% so với cùng kỳ, đạt 85,7% dự toán năm.
Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,9% so với cùng kỳ. Các hoạt động văn hoá, thể dục, thể thao được tổ chức thiết thực, hiệu quả, lành mạnh và an toàn. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân luôn được quan tâm; các chính sách xã hội được giải quyết kịp thời, chế độ chính sách ưu đãi, chăm sóc người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội được quan tâm và thực hiện đầy đủ theo quy định. Công tác an ninh, trật tự được thực hiện hiệu quả, lực lượng chức năng đã thực hiện cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông và phòng chống cháy nổ trên địa bàn tỉnh.
Chỉ tính trong 9 tháng năm 2022, Tiền Giang thu hút thêm 13 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4.163 tỷ đồng, thành lập mới thêm 676 doanh nghiệp, 5.300 hộ kinh doanh.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang cũng đã tổ chức Hội nghị giới thiệu 59 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng nguồn vốn đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.
Hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản
Năm 2022, Tiền Giang phấn đấu tăng trưởng GRDP cả năm sẽ vượt kế hoạch, tăng trên 7%. Theo kế hoạch, 3 tháng cuối năm, tỉnh Tiền Giang tập trung vào các vấn đề như nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp, nâng chất xây dựng nông thôn mới; thực hiện các chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ; tăng cường xúc tiến và thu hút đầu tư; các giải pháp phát triển doanh nghiệp; tiến độ và giải ngân nguồn vốn đầu tư công; Các giải pháp tăng cường hoạt động y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao hoạt động giáo dục và thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Đồng thời triển khai hiệu quả các giải pháp ổn định giá cả thị trường; các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự và trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.
Song song đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, thông tin về các hiệp định thương mại tự do (FTA) để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc khai thác và tận dụng các ưu đãi, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về rào cản thương mại nhằm giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu và mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác phù hợp...
Đặc biệt, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp rà soát, lựa chọn các thị trường thay thế có khả năng bổ sung khi kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc bị sụt giảm do dịch bệnh hoặc những nguyên nhân khách quan khác.
Tiền Giang đang hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cao, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, ổn định đời sống nhân dân năm 2022 và các năm tiếp theo.
Đặc biệt, trong mở rộng thị trường xuất khẩu chú trọng cả thị trường xuất khẩu nông sản tươi và nông sản qua chế biến, phù hợp vời yêu cầu của từng thị trường và gia tăng giá trị của hàng hóa xuất khẩu.
Hơn nữa, để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững, Tiền Giang tiếp tục đổi mới xúc tiến đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ doanh nghiệp cả trong và ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp.
Việc này nhằm mời gọi đầu tư kết hợp với vận dụng tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, huy động tối đa các mọi nguồn lực về vốn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư làm ăn, xây dựng và kết nối các vùng nguyên liệu, đào tạo cung ứng lao động, xúc tiến thị trường để tiêu thụ và xuất khầu sản phẩm...
T.H