Năm 2021 xuất khẩu vải của Việt Nam đạt 47,4 triệu USD, năm 2022 giảm xuống còn 27,4 triệu USD, nguyên nhân chủ yếu do thị trường chính của Việt Nam là Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid.
Bước sang năm 2023, xuất khẩu trái vải được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhờ việc Trung Quốc mở cửa trở lại và Bộ Công Thương cùng các địa phương, doanh nghiệp tích cực xúc tiến tiêu thụ sang các thị trường khác.
Chia sẻ tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam nước ngoài tháng 5/2023 do Bộ Công Thương tổ chức, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, với việc thị trường chính là Trung Quốc mở cửa sẽ là cơ hội để doanh nghiệp xuất khẩu.
Hiện nay, mặc dù là nước trồng vải lớn nhất thế giới nhưng vụ vải của Trung Quốc lại diễn ra từ tháng 2 đến tháng 7. Điều này có nghĩa trong tháng 6 (thời điểm cuối vụ) sản lượng vải của Trung Quốc rất ít. Đây được đánh giá là thời điểm thuận lợi để vải Việt tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.
Tất nhiên, để có thể đưa vải sang Trung Quốc, chất lượng quả của Việt Nam cũng phải được đảm bảo, được trồng theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Bên cạnh đó, trong mùa vụ, ông Nguyên cho rằng cần tạo điều kiện để thương nhân Trung Quốc qua nước ta mua bán, tạo điều kiện visa dễ dàng, phương tiện đi lại để họ thuận tiện giao thương.
Đối với các địa phương sản xuất lớn như Bắc Giang, Hải Dương… cũng đang nỗ lực nâng cao chất lượng quả để có thể tiến ra thị trường thế giới nhiều hơn, tăng khả năng cạnh tranh trước các đối thủ.
Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và kết quả đạt được, vụ mùa năm nay dự báo vẫn sẽ có nhiều khó khăn. Theo đó, tính thời vụ của vải chỉ tập trung trong vòng nửa tháng nên chí phí logistics vẫn sẽ ở mức cao.
Lệnh 248, 249 của Trung Quốc vẫn đang khiến nhiều doanh nghiệp gặp các khó khăn nhất định. Trái vải của Hải Dương đã đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của thị trường Nhật Bản, EU nhưng năng lực đàm phán của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.
Trước những khó khăn trên, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang kiến nghị lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp tục đàm phán với cơ quan chức năng để tạo điều kiện tốt nhất tiêu thụ vải thiều. Các thương vụ và chi nhánh thương vụ tiếp tục quan tâm, có định hướng để giúp tỉnh trong các hoạt động xúc tiến thương mại. Các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trong nước tiếp tục hỗ trợ thực hiện liên kết vùng, kết nối giao thông,giới thiệu các tập đoàn bán lẻ, chuỗi siêu thụ đến tỉnh Bắc Giang...
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đề nghị các bộ ngành cần phải đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa kênh phân phối. Đặc biệt chú ý thương mại điện tử xuyên biến giới bởi “đây vẫn là giải pháp hữu hiệu ở thời điểm hiện nay, trong ngắn và dài hạn”. Đồng thời tiếp cận sâu vào thị trường Trung Quốc, không chỉ các tỉnh giáp biên giới với Việt Nam mà còn các địa phương khác.
Ngọc Phi (TH)