Thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam

15:37 21/12/2022

Ngành Du lịch Việt Nam cần phải tập trung cơ cấu lại, đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển đồng bộ và bền vững, phải phát triển đồng bộ cả “đôi chân” là du lịch quốc tế và nội địa.

Sáng 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có các điểm du lịch thu hút khách quốc tế.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với đầu cầu 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có các điểm du lịch thu hút khách quốc tế.

Dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các Bộ trưởng, Thủ tưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; lãnh đạo các hiệp hội, các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan. Dự tại các điểm cầu UBND các tỉnh, thành phố có Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. 

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Tại hội nghị, đại diện Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã báo cáo tổng quan tình hình đón khách du lịch quốc tế và một số giải pháp trọng tâm thúc đẩy du lịch nước ngoài vào Việt Nam, ngay sau khi mở cửa đến nay. Cụ thể, chỉ tính riêng trong tháng 4, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 70.000 lượt, lượng khách quốc tế qua các sân bay của Việt Nam trong tháng 4-2022 đã bằng tổng 3 tháng trước đó cộng lại. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam đã đón 2,9 triệu lượt khách quốc tế (tăng 21,1 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 81,9% so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó, có 2,7 triệu khách quốc tế đến Việt Nam là khách du lịch (chiếm 93,1%).

Năm 2022, ước lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 3,5 triệu lượt (bằng 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm 2022). Trong khi đó, khách nội địa ước đạt 101,3 triệu lượt (tăng gấp 1,5 lần so với mục tiêu); tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng đã nêu lên một số tồn tại, hạn chế như: Chính sách visa có nhiều đổi mới, tiến bộ nhưng triển khai chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu; nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch chưa phát huy hiệu quả; việc thành lập văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia ở nước ngoài để chủ động nghiên cứu, định hướng thị trường, hỗ trợ kết nối, trực tiếp xúc tiến quảng bá du lịch quốc tế chưa được triển khai… 

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Nhằm đạt được mục tiêu phát triển du lịch nói chung, đón khách quốc tế nói riêng, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, đại diện một số bộ, ngành, địa phương đã đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số nhóm giải pháp, gồm: Tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam; xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, đáp ứng xu hướng mới của khách du lịch hậu COVID-19; kéo dài chính sách giảm giá điện cho doanh nghiệp du lịch; phát triển nhân lực du lịch.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị: Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển du lịch tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/10/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Chiến lược Phát triển Du lịch đến năm 2030, với mục tiêu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47 - 50 triệu lượt, đóng góp 14-15% GDP, nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên đến trên 50%, ngành Du lịch Việt Nam cần phải tập trung cơ cấu lại, đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại, phát triển đồng bộ và bền vững, phải phát triển đồng bộ cả “đôi chân” là du lịch quốc tế và nội địa.

Trong hoàn cảnh mới, cơ hội mới, hiện nay cần có tư duy và cách làm mới, quyết liệt, hiệu quả để thúc đẩy lượng khách quốc tế đến Việt Nam; định vị thương hiệu du lịch quốc gia gắn với bản sắc văn hóa dân tộc; tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào du lịch; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

P.V (t/h)