Phú Thọ nằm trong nhóm dẫn đầu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 Phú Thọ: Bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán VNPT Phú Thọ triển khai giải pháp chữ ký số SmartCA |
Sản phẩm trứng gà đen của gia đình bà Nguyễn Thị Quỳnh, khu 4, xã Hạ Giáp, huyện Phù Ninh được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. |
Một trong những yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển của Phú Thọ là sự đổi mới mạnh mẽ các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp. Thay vì những mô hình nông nghiệp truyền thống, tỉnh đã khuyến khích phát triển các hợp tác xã (HTX) và trang trại ứng dụng công nghệ cao.
Toàn tỉnh hiện có 433 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có 219 HTX dịch vụ tổng hợp, 139 HTX trồng trọt, 50 HTX chăn nuôi, 17 HTX thủy sản, 5 HTX lâm nghiệp; doanh thu bình quân năm 2024 đạt trên 1,6 tỷ đồng/HTX, tăng 6,5% so với năm 2023; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt 4,1 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều HTX đã chủ động mở rộng thêm các hoạt động dịch vụ để hỗ trợ thành viên; tích tụ ruộng đất, hình thành các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết để liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản; áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, giúp giảm giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm.
Toàn tỉnh hiện có 365 trang trại hoạt động theo tiêu chí quy định, gồm 160 trang trại tổng hợp, 157 trang trại chăn nuôi, 27 trang trại thủy sản, 5 trang trại lâm nghiệp, 16 trang trại trồng trọt, diện tích đất bình quân sử dụng 4,5 ha/trang trại.
Tổng giá trị sản xuất của các trang trại năm 2024 ước đạt 1.204,5 tỷ đồng. Đặc biệt, có 90 trang trại ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản.
Đưa công nghệ vào sản xuất, đóng gói, hoàn thiện sản phẩm Trà đinh lăng túi lọc của Công ty TNHH Maika Food (xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy). |
Trên địa bàn tỉnh hiện có 163 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; một số dự án đã đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại, tiếp tục đóng góp vào tăng trưởng của ngành như chăn nuôi gà giống, gà đẻ trứng thương phẩm. Điển hình như sản xuất trứng gà sạch của Công ty TNHH MTV Gia cầm Hòa Phát với quy mô 1,2 triệu gà đẻ; chăn nuôi quy mô 6.000 lợn nái của Công ty TNHH lợn giống DABACO...
Bên cạnh đó, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được đẩy mạnh. Ước đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 308 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Đến nay đã có 203 tổ chức kinh tế, bao gồm các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, làng nghề tham gia vào Chương trình.
Tuy nhiên, việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp vẫn còn có những khó khăn, bất cập, cần tập trung tháo gỡ. Điển hình như việc thu hút đầu tư các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn gặp khó; sản xuất nông nghiệp thường gặp rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và thị trường cộng với năng suất lao động thấp so với công nghiệp.
Theo ông Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để khắc phục những khó khăn, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện khâu đột phá về đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, trọng tâm là tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, HTX trở thành đầu mối liên kết với kinh tế hộ trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị.