Tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Thủ tướng trực tiếp trao đổi, nắm tình hình với nhiều người dân, trong đó có cả một shipper đang vận chuyển hàng trên đường. Ông tới kiểm tra 4 cửa hàng bán hàng thiết yếu vẫn được phép mở cửa trên đường Nguyễn Tuân và 1 cửa hàng điện thoại di động trên đường Nguyễn Trãi.
Thủ tướng trao đổi kỹ lưỡng với những người này về công tác bảo đảm an toàn phòng chống dịch, như thực hiện giãn cách 2 mét giữa người bán với người mua, đeo khẩu trang, xịt sát khuẩn, tiêm chủng vaccine, yêu cầu khách hàng phải quét QR code để khai báo y tế… Ông cũng hỏi cặn kẽ về cách thức giao hàng hóa, thậm chí cách thức thu tiền của khách thế nào để bảo đảm an toàn. Với shipper ông gặp trên đường Nguyễn Trãi, ông tận tay trực tiếp xem giấy đi đường, giấy chứng nhận tiêm vaccine, xịt khuẩn tay…
Ông mong muốn những người bán hàng và người vận chuyển phải tuyệt đối chấp hành các quy định phòng chống dịch, “bán hàng phải an toàn, an toàn để bán hàng”.
Tại chốt kiểm soát của phường ở ngã 3 Nguyễn Trãi – Nguyễn Tuân, Thủ tướng động viên lực lượng đang làm nhiệm vụ tại đây và tìm hiểu thực tế kiểm soát người dân đi lại trên đường. Nghe đề xuất của các lực lượng đang ngày đêm chống dịch, Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBDN TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Y tế lưu tâm việc tiêm vaccine cho những người làm việc tại các chốt kiểm soát như cựu chiến binh, phụ nữ, dân phòng… Đồng thời, nghiên cứu thêm các chính sách về phụ cấp hỗ trợ, cung cấp trang thiết bị bảo hộ, nước uống… cho các chốt kiểm soát.
Tiếp đó, Người đứng đầu Chính phủ tới “điểm nóng” ngõ 328-330 Nguyễn Trãi – ổ dịch lớn nhất, nóng nhất tại Hà Nội trong những ngày vừa qua. Tới nay, khu vực này đã phát hiện 313 ca F0 trên tổng số khoảng 1.800 người dân.
Nghe báo cáo và chứng kiến bản đồ tình hình dịch, ông yêu cầu phải làm ngay 2 việc. Một là di dời bớt người dân ra khỏi khu vực hiện có mật độ dân số quá đông. Hai là thiết lập ngay trạm y tế lưu động tại phường.
“Phường chưa triển khai đến nơi đến chốn tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là lấy xã phường làm pháo đài. Thành phố triển khai các cơ sở điều trị nhưng cấp xã phường cũng phải triển khai để giảm tải cho hệ thống y tế cấp trên. Hiện năng lực điều trị của Thành phố đủ nhưng phải dự trù những tình huống xấu hơn nếu tình hình thay đổi”, Thủ tướng yêu cầu. Nếu để hệ thống y tế quá tải, dồn lên tuyến trên thì tỷ lệ tử vong sẽ cao. Hiện Hà Nội chưa có tình trạng quá tải nhưng phải sẵn sàng ở mức cao nhất để phòng tránh nguy cơ này.
Điểm cuối cùng trong chuyến thị sát của Thủ tướng là UBND phường Thanh Xuân Trung để kiểm tra công tác ứng trực phòng chống dịch. Tuy nhiên, khi Thủ tướng tới đây lúc 16h30 chiều, trụ sở này vắng người trực.
Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo phường trình quyết định thành lập và quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Sau hơn 30 phút, quyết định được cán bộ phường tìm thấy. Tuy nhiên, theo quyết định này, Trưởng Ban chỉ đạo lại là Chủ tịch UBND phường, trong khi theo chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt và các công điện của Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo phải do đồng chí Bí thư cấp ủy đảm nhận.
Thủ tướng hỏi lý do của việc này. Chủ tịch phường cho biết đồng chí Bí thư vừa được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ khác trên quận. Khi được biết việc điều động đã diễn ra cách đây hơn 1 tháng, ông phê bình ngay lãnh đạo quận ủy vì chậm trễ trong việc kiện toàn nhân sự cho phường.
“Cả tháng rồi chưa kiện toàn bí thư phường, khuyết điểm này thuộc về quận Thanh Xuân. Phường là vùng đỏ rồi, trong lúc nước sôi lửa bỏng này phải kiện toàn ngay để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đáp ứng yêu cầu chống dịch, chăm lo cho dân”, Thủ tướng nghiêm khắc phê bình lãnh đạo địa phương. Ông nhắc tới TP Hồ Chí Minh chỉ “ngày trước ngày sau” đã kiện toàn xong Chủ tịch UBND Thành phố.
Thủ tướng tiếp tục đặt các câu hỏi để kiểm tra lãnh đạo phường đã nhận được các Công điện mới của Thủ tướng chưa, nắm vững tới đâu các chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Chủ tịch phường trả lời lúng túng.
“Tôi đã yêu cầu phổ biến các Công điện 1099 ngày 22/8, Công điện 1102 ngày 23/8 của Thủ tướng tới tận phường xã. Câu trả lời cho thấy không nắm vững tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, của Thủ tướng, nên điều hành công việc còn lúng túng”, Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bí thư Quận ủy phát biểu, nêu rõ các nội dung mà lãnh đạo quận phải chỉ đạo, hướng dẫn với cấp phường, trong bối cảnh phường “rất đỏ” về dịch bệnh.
Chiều muộn ngày 31/9, ngay trụ sở UBND phường Thanh Xuân Trung, Thủ tướng chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với Sở Chỉ huy phòng chống COVID-19 của Thành phố, kết nối với điểm cầu UBND Thành phố, các quận huyện và toàn bộ 579 xã, phường, thị trấn của Hà Nội. Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng dự cuộc họp tại đầu cầu UBND Thành phố.
Nhận xét khu vực ngõ 328-330 Nguyễn Trãi là “chảo lửa”, Bí thư Quận ủy Thành Xuân cho biết quận đã cách ly nghiêm ngặt người với người, nhà với nhà, tiến hành xét nghiệm kịp thời trên diện rộng, bóc tách F0, F1 ra khỏi cộng đồng, sau đó tiếp tục truy vết. Đồng thời, bảo đảm đời sống nhân dân bằng các biện pháp như cung cấp các túi thực phẩm, đi chợ giúp dân, liên hệ với các huyện ngoại thành để vừa cung ứng thực phẩm cho người dân, vừa giúp tiêu thụ nông sản cho nông dân…
Kết quả đợt xét nghiệm lần thứ 3 cho 1.300 người dân trong khu vực trưa 31/8 cho thấy có 16 mẫu dương tính, tích cực hơn so với các lần trước. Bí thư Quận ủy cũng cho hay, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh hết sức sâu sát, quyết liệt chỉ đạo xử lý điểm nóng dịch bệnh này, vừa kiểm tra trực tiếp nhiều lần, vừa liên tục gọi điện chỉ đạo.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đều hết sức sát sao với công việc phòng chống dịch tại xã phường. Cũng với tinh thần đó, Thủ tướng về tận phường nóng nhất của Hà Nội về dịch bệnh, gặp người dân ngay tại cơ sở. Tinh thần là đi không báo trước, không theo kế hoạch để tận mắt thấy tình hình thực tế, đến với nhân dân và sống với nhân dân. Phải xuống tận khu dân cư, xuống với dân thì mới hiểu hết được thực tiễn cuộc sống trong lúc người dân Thủ đô đang gồng mình lên chống dịch.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương những thành tựu, kết quả của Hà Nội trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, trong bối cảnh Thủ đô có rất nhiều đặc thù, khác biệt so với các địa phương khác. Dịch bệnh được kiểm soát, tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm các chỉ tiêu khác như thu ngân sách.
Có được kết quả này là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự tham gia ủng hộ, hưởng ứng và chia sẻ của người dân. Điều này khẳng định thành quả chống dịch là thành quả của nhân dân, nhân dân đóng vai trò quyết định với thắng lợi của công cuộc phòng chống dịch. “Càng đi thực tiễn, càng xuống cơ sở càng thấy quan điểm, chủ trương lấy xã phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ là đúng đắn trong điều kiện hiện nay. Xã phường là cấp chính quyền gần dân nhất, đến với dân nhanh nhất, sát dân nhất, hiểu dân nhất”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ, qua kiểm tra thực tế, vẫn còn một số bất cập.
Thứ nhất, người dân vẫn ra đường đông. Như vậy là chưa đạt kết quả về giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Thứ hai, nếu tình hình như hiện nay thì Thành phố kiểm soát được, đối phó tốt với dịch bệnh, nhưng nếu tình hình phức tạp hơn, diễn biến xấu như một số địa phương phía Nam thì có thể bị động, lúng túng và có thể có bất ngờ.
Thứ ba, Thủ tướng chỉ ra một số việc “không được” tại phường Thanh Xuân Trung. Cụ thể là qua một tháng vẫn chưa kiện toàn được nhân sự Bí thư phường. Phường đã có Ban Chỉ đạo nhưng chưa có quy chế làm việc. Cuối cùng, không có đủ người trực tại trụ sở, Đoàn công tác đến thì “chạy lên chạy xuống” tìm người.
“Hơn 500 xã phường không phải nơi nào cũng vậy, nhưng tại phường nóng nhất thì như vậy là chưa ổn. Hà Nội cơ bản làm tốt công tác phòng chống dịch, nhưng những điểm này cần khắc phục ngay, tăng cường kiểm tra giám sát. Những gì làm được phải ghi nhận, những gì chưa được phải nói thẳng”, Thủ tướng nêu rõ. Đây cũng là bài học cho xã khác, phường khác…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các văn bản của Trung ương, nhất là các Công điện, chỉ đạo gần đây của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rất rõ các công việc cần triển khai. Ông nhấn mạnh thêm một số nhiệm vụ các xã phường cần chú ý trong công tác phòng chống dịch.
Thứ nhất, phòng dịch vẫn là cơ bản, chiến lược, lâu dài, nhất là khi chưa có đủ vaccine để tiêm cho phần lớn dân số. Do đó, phải vận động, kêu gọi, thuyết phục người dân tích cực tham gia, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Đây vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, vừa là trách nhiệm của mỗi người để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình, cộng đồng và góp phần đưa đất nước phát triển.
Thứ hai, khi đã thực hiện giãn cách xã hội thì phải làm quyết liệt, chặt chẽ, làm nghiêm ngặt ngay tại xã phường, không để “chặt ngoài lỏng trong”. Thủ tướng nhấn mạnh, đã hy sinh về kinh tế - xã hội để thực hiện giãn cách xã hội thì đổi lại phải đạt mục tiêu phòng chống dịch.
Thứ ba, phải tổ chức xét nghiệm thần tốc theo hướng dẫn của Bộ Y tế, từ đó phát hiện nhanh chóng nguồn lây, bóc tách khỏi cộng đồng, chăm sóc, điều trị F0 phù hợp.
Thứ tư, cần thu dung, phân loại, chăm sóc, điều trị F0 nhanh nhất có thể, đưa dịch vụ y tế tới gần dân nhất, nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở, không để quá tải tuyến trên, từ đó giảm tử vong. Người dân được tiếp cận y tế sớm cũng sẽ yên tâm hơn, điều trị tốt hơn, hiệu quả hơn. Thủ tướng nhắc lại yêu cầu tăng cường các trạm y tế lưu động tại các xã, phường.
Thứ năm, phải bảo đảm an sinh xã hội, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc. Thủ tướng nhấn mạnh, không ai “thuộc” dân, nắm vững hoàn cảnh, điều kiện từng người dân bằng cấp xã, phường, thị trấn.
Thứ sáu, tổ chức tiêm vaccine kịp thời, khoa học, hiệu quả, an toàn.
Thứ bảy, phải bảo đảm an toàn, an ninh trật tự, an dân.
Thứ tám, chủ động bảo đảm một số nguồn lực theo phương châm “4 tại chỗ” ở mức cao hơn, không để bị động, lúng túng trong các tình huống. Cùng với đó, tăng cường chuẩn bị, tập huấn nguồn nhân lực. Khi thực hiện cách ly y tế, giãn cách xã hội thì phải chuẩn bị cho phù hợp về an sinh, an toàn, an dân.
Thứ chín, tăng cường thông tin – tuyên truyền bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác để người dân an tâm, tin tưởng tham gia chống dịch.
Thủ tướng lưu ý Thành phố Hà Nội phải bảo đảm công tác lưu thông hàng hóa trên nguyên tắc tinh thần chỉ kiểm tra xe chở hàng tại điểm đi, điểm đến và bảo đảm các quy định an toàn phòng, chống dịch. Cùng với đó, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện, thực hiện “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”.
Thủ tướng yêu cầu Thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, uốn nắn, điều chỉnh các bất cập, hạn chế, đồng thời giúp đỡ xã, phường, thị trấn về nguồn lực con người và vật chất.
Thủ tướng lưu ý Hà Nội không để dịch bùng phát ra vùng xanh và vùng nông thôn, do đây là khu vực mà năng lực y tế còn hạn chế, cũng là nơi có thế mạnh về sản xuất lương thực, thực phẩm trong bất cứ lúc nào.
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, công tác phòng chống dịch là chưa có tiền lệ, cần vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình, nếu cần thì thí điểm, mở rộng dần, không cầu toàn không nóng vội. Đồng thời, khen thưởng phải kịp thời, kỷ luật phải nghiêm minh. “Chỗ nào làm tốt phải khen, động viên ngay, chỗ nào làm không đúng không trúng phải kiểm điểm, xử lý, ai vi phạm phải kỷ luật”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bày tỏ tin tưởng Hà Nội sẽ thực hiện được mục tiêu chống dịch thành công và phát triển kinh tế - xã hội, Người đứng đầu Chính phủ một lần nữa yêu cầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, làm tốt công tác phòng dịch, triển khai hiệu quả chiến lược vaccine và thuốc điều trị. “Về chiến lược vaccine và thuốc điều trị, xã phường chưa lo được mà Trung ương, Thành phố phải lo”, ông nêu rõ.
Cũng trong chiều ngày 31/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra Bệnh viện dã chiến điều trị người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đặt tại quận Hoàng Mai.
Thủ tướng đánh giá cao các cơ quan liên quan đã nỗ lực, cố gắng để đưa vào hoạt động Bệnh viện với quy mô và cơ sở vật chất khang trang, hiện đại. Thăm hỏi, động viện đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng làm việc tại đây, ông yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục tăng cường đào tạo nhân lực cho công tác hồi sức cấp cứu, kể cả đào tạo lại bác sĩ trong các chuyên khoa khác; huy động lực lượng sinh viên năm cuối… để tăng cường nhân lực công tác phòng chống dịch.
Thủ tướng mong muốn đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng viên tại đây tiếp tục phát huy tinh thần “lương y như từ mẫu”, cố gắng hết mình để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19, giành lại sự sống cho nhiều nhất các bệnh nhân nặng, đồng thời hướng dẫn, tập huấn cho đội ngũ y bác sĩ ở các cơ sở điều trị tầng 2 tại các địa phương, góp phần cùng cả nước kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất./.
PV