Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kinh tế tập thể, HTX

14:48 15/02/2022

Sáng ngày 15/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012.

Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích đánh giá kết quả triển khai và tình hình phát triển kinh tế tập thể sau 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW về kinh tế tập thể và 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012. Đây là cơ hội để đánh giá kết quả đạt được, chỉ rõ những nội dung còn hạn chế, từ đó rút ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; đồng thời xác định phương hướng, mục tiêu, nội dung, biện pháp cụ thể trong những năm tiếp theo để đạt được mục tiêu phát triển khu vực KTTT, HTX bền vững, làm nền tảng của nền kinh tế quốc dân. 

Ảnh minh họa
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về kinh tế tập thể, HTX - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận và làm rõ một số nội dung quan trọng.

Thứ nhất, đánh giá khách quan, cụ thể tình hình thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW và Luật HTX năm 2012; chỉ rõ những kết quả đã làm được, những nội dung chưa làm được và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan; rút ra các bài học kinh nghiệm về lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng thể chế, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết, kỷ luật, khen thưởng.

Thứ hai, đánh giá chính xác tình hình phát triển kinh tế tập thể, HTX, kết quả đạt được, nhất là những kết quả đột phá, những tồn tại, hạn chế, nhất là những trì trệ, yếu kém; phân tích, dự báo tình hình trong nước, quốc tế và các cơ hội cũng như thách thức đối với lĩnh vực phát triển kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới.

Thứ ba, xác định bối cảnh phát triển mới, những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của khu vực kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới.

Thứ tư, đề xuất những định hướng chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX; các đề xuất sửa đổi, bổ sung cụ thể để đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế tập thể, HTX và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tập trung phân tích, mổ xẻ các vấn đề về hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, xây dựng thương hiệu, phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học và công nghệ, huy động nguồn vốn, nâng cao năng lực quản trị, vấn đề bao bì, mẫu mã, thị trường…

Đến 31/12/2021, cả nước có trên 27.000 HTX, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực HTX thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động. Doanh thu, lợi nhuận của HTX tăng dần qua các năm. Năm 2020, doanh thu bình quân đạt 4,3 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân đạt 314 triệu đồng/HTX, tương ứng tăng 61% và 88% so với năm 2013 .

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 20 năm qua, cùng với quá trình đổi mới kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực KTTT đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định.

Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kém hiệu quả sang mô hình HTX tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Khu vực KTTT với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, trong đó nòng cốt là HTX là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường, bước đầu khẳng định là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở và sự phát triển kinh tế của đất nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định, bên cạnh những kết quả bước đầu đạt được, sau 20 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết, cùng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế, khu vực KTTT của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, chưa phát huy được tối đa tiềm năng của mình trong hỗ trợ phát triển kinh tế thành viên cũng như đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước. Điều đó đặt ra nhiệm vụ phải tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và đề xuất định hướng, giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển KTTT thời gian tới phù hợp xu hướng phát triển mới và tình hình thực tế, phục vụ việc xây dựng dự thảo Nghị quyết mới về KTTT.

PV