Thủ tướng Chính phủ: Lành mạnh hoá thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản theo đúng quy định pháp luật

22:02 27/11/2022

Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP.HCM về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và triển khai các công trình trọng điểm năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2023 chiều 27/11, Thủ tướng cho rằng các khó khăn liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản có thể gây rủi ro cho nền kinh tế.

Chiều 27/11, tại trụ sở UBND TP HCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt TP về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các công trình trọng điểm.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt TPHCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt TPHCM về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Thủ tướng cho rằng các khó khăn liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản có thể gây rủi ro cho nền kinh tế. Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần làm lành mạnh hoá thị trường, theo đúng quy định pháp luật.

"Ai làm sai thì phải xử lý, ai làm tốt thì bảo vệ, xử lý người làm sai để bảo vệ người làm tốt, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp", Thủ tướng nêu rõ.

Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết có nhiều việc phải xử lý, giải quyết để hỗ trợ, tạo điều kiện cho TP HCM phát triển nhưng cần chọn một số việc xử lý trước. Đó là giải ngân vốn đầu tư công, một trong những điểm yếu của hệ thống trong nhiều năm và năm nay, việc giải ngân càng cần thiết, có ý nghĩa quan trọng. 

Vì vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành với TP HCM để tháo gỡ khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, cùng TP đưa nguồn lực này vào phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của TP cũng như cả nước.

Thủ tướng bày tỏ: "Đã nói thì phải làm, làm thì phải có hiệu quả, hiệu quả là phải mang lại sự phát triển cho TP, cho người dân, cho doanh nghiệp".

Liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM - cho biết đến hết ngày 25/11, tổng số vốn đã giải ngân là 12.665/37.463 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34%, thấp nhất cả nước.

Các đơn vị chủ đầu tư đăng ký giải ngân vốn đến hết niên độ kế hoạch đầu tư công năm 2022 là 28.753/37.463 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76,7% tổng số vốn giao.

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi trình bày tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, kết quả giải ngân đầu tư công, tiến độ triển khai các công trình trọng điểm. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Theo Zing News, tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP HCM kiến nghị Chính phủ khẩn trương đánh giá và có giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục cũng như đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và bất động sản nhằm tạo công ăn việc làm cho người lao động.

"TP cũng kiến nghị Chính phủ có giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt ổn định tình hình sau vụ việc của ngân hàng SCB, nhất là hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có thông tin đầy đủ để người mua trái phiếu an tâm hơn", ông Phan Văn Mãi đề xuất.

Cũng theo chia sẻ của Chủ tịch UBND TP HCM, thị trường xăng dầu hiện nay đã được cải thiện, song vẫn còn tiềm ẩn bất ổn.

Vì vậy, TP tiếp tục kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sửa đổi các quy định của pháp luật để hệ thống cung ứng xăng dầu vận hành theo hướng đảm bảo lợi ích hài hòa của các khâu trong chuỗi phân phối, trong đó, chú trọng mở room tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng phân tích tình hình có nhiều khó khăn, thách thức, đan xen thời cơ, thuận lợi. Do đó, TP.HCM không chủ quan, song cũng không bi quan để phấn đấu hoàn thành tốt 19 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; đồng thời tổ chức rà soát lại toàn bộ công việc để bước vào năm 2023 với khí thế mới.

Trước mắt, thành phố phải tập trung vào công tác quy hoạch; thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó Thành phố phối hợp với các bộ ngành xử lý dứt điểm những vướng mắc, thúc đẩy 5 dự án trọng điểm gồm: các dự án đường sắt đô thị; đường Vành đai 3 Thành phố; Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, Tây Ninh.

“Thành lập tổ công tác để xử lý những vấn đề đang vướng mắc”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng đề nghị, thành phố phối hợp với các bộ, ngành và Chính phủ để tổng kết đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chính phủ về cơ chế chính sách thí điểm dành cho Thành phố cả về kinh tế, tổ chức, cán bộ... trình cấp có thẩm quyền bổ sung phù hợp với tình hình.

Bên cạnh đó, TP.HCM không được chủ quan, tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, nhất là tiêm vaccine phòng dịch để kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội; tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng gồm tiêu dùng, đầu tư công, xuất khẩu; khuyến khích phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ để TP.HCM trở thành hình mẫu cho cả nước noi theo.

TP.HCM tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn; thực hiện đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động; tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với gia đình chính sách, đối tượng yếu thế, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán. Đáng chú ý, Thành phố phải quan tâm phát triển văn hóa ngang tầm với chính trị, phát triển kinh tế, trong đó có phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch.

“Các Bộ, ngành bám sát tình hình, tích cực, chủ động phối hợp với TP.HCM để xử lý những vướng mắc và cùng TP.HCM phát triển”, Thủ tướng đề nghị.

Đối với các đề xuất của TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ cơ bản nhất trí chủ trương xử lý, giải quyết; đồng thời chỉ đạo trực tiếp các bộ, ngành liên quan xử lý đối với từng vấn đề.

Thủ tướng cho biết, nhiều vấn đề mà Thành phố đề xuất đã và đang được Chính phủ, các bộ, ngành xử lý như: vấn đề liên quan trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, hạn mức tín dụng, hộ chiếu du lịch, điều hành thị trường xăng dầu, hợp tác công tư trong đầu tư phát triển...

“Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; bạn bè quốc tế; người dân, doanh nghiệp cùng chia sẻ, bàn bạc xử lý những khó khăn, vướng mắc; chung tay, góp sức vì lợi ích quốc gia, dân tộc; hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; tin tưởng TP.HCM và cả nước tiếp tục đạt nhiều thành tựu trong thời gian tới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hải Tùng