Trong chương trình công tác tại tỉnh Điện Biên, chiều 8/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ đã kiểm tra việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên; vị trí quy hoạch Khu đô thị mới phía Đông thành phố Điện Biên Phủ; thăm, kiểm tra việc cung ứng thuốc, vật tư y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên; thăm, tặng quà, trao học bổng cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên; tặng học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh tỉnh đặc biệt của tỉnh Điện Biên.
Cùng đi có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh; Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và tỉnh Điện Biên.
Hoàn thành Dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên trước 1 tháng
Ngay sau khi tới thành phố Điện Biên Phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng Đoàn công tác kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng hàng không Điện Biên.
Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 470/QĐ-TTg ngày 27/3/2021. Sau khi hoàn thành, Cảng hàng không Điện Biên đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các loại máy bay hiện đại như A320, A321; nhà ga đáp ứng các tiêu chuẩn, công suất giai đoạn 1 từ 500.000 đến 1 triệu khách/năm. Dự án có tổng mức đầu tư là hơn 1.400 tỷ đồng, được khởi công tháng 1/2022, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác tháng 12/2023.
Tại công trường, sau khi nghe báo cáo và thị sát thực địa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu chủ đầu tư phối hợp với tỉnh Điện Biên rà soát lại công việc, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, nhất là việc các vướng mắc về thủ tục; đảm bảo đủ nguyên vật liệu, cát sỏi, đất... cho thi công công trình. Đặc biệt, có giải pháp khoa học xử lý hiệu quả nền đất yếu; huy động các mỏ vật liệu trong vùng, tìm mỏ mới, sản xuất cát nhân tạo... để đảm bảo đủ vật liệu phục vụ công trình.
Thủ tướng yêu cầu thường xuyên đôn đốc, kiểm tra giám sát, động viên công nhân trên công trường tổ chức thi công 3 ca, 4 kíp, tranh thủ thời tiết, đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thi công, phấn đấu hoàn thành dự án trước 1 tháng so với kế hoạch. Cùng với đó, phải đảm bảo chất lượng, kỹ-mỹ thuật công trình; tránh đội vốn bất hợp lý; đảm bảo an toàn lao động và môi trường; tổ chức tái định cư cho người dân phải di dời có nơi ở mới tốt hơn, ít nhất là bằng nơi ở cũ.
Thủ tướng cho rằng, Cảng hàng không Điện Biên là công trình trọng điểm, có ý nghĩa quan trọng, là động lực phát triển của tỉnh, người dân đang mong chờ. Do đó phải được xây dựng đồng bộ, văn minh, hiện đại, phát triển lâu dài; xứng tầm với yêu cầu phát triển của tỉnh, nơi quân quân và dân ta đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu.
Ưu tiên quỹ đất cho phát triển sản xuất, kinh doanh
Thăm thực địa vị trí quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới phía Đông thành phố Điện Biên Phủ, trong đó điểm nhấn là đường 7 tháng 5 (đường 60m) và Trung tâm hành chính mới của tỉnh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Điện Biên ưu tiên đầu tư kết nối giao thông để tạo động lực, mở ra không gian phát triển mới, sau đó khai thác quỹ đất phát triển sản xuất, kinh doanh rồi mới đầu tư các dự án khác.
“Điện Biên không vội phát triển đô thị mà ưu tiên quỹ đất để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu hút người đến làm việc; có người đến làm việc thì mới có người đến ở và khi đó mới phát triển đô thị, bất động sản,” Thủ tướng nhắc nhở.
Theo Thủ tướng, trước mắt, Điện Biên cần đầu tư tuyến đường động lực 7 tháng 5 để khai thác quỹ đất lấy vốn đầu tư tuyến đường kết nối các khu vực kinh tế trọng điểm kinh tế động lực dọc Quốc lộ 279, Quốc lộ 12 tỉnh Điện Biên; sau đó mới khai thác quỹ đất lấy vốn đầu tư Trung tâm hành chính tỉnh.
Đối với đề xuất xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Sơn La-Điện Biên-Cửa khẩu Tây Trang đoạn qua thành phố Điện Biên Phủ, Thủ tướng đề nghị tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải xây dựng dự án, trình cấp có thẩm quyền xem xét theo thứ tự ưu tiên.
Không để người dân cần mà không mua được thuốc
Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến kiểm tra đột xuất công tác bảo đảm cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ.
Thủ tướng dành nhiều thời gian lắng nghe ý kiến của các y, bác sĩ, người nhà bệnh nhân về việc bảo đảm cung ứng thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế. Theo lãnh đạo Bệnh viện, sau khi Chính phủ ban hành các Nghị quyết, Nghị định và Bộ Y tế có hướng dẫn, đến nay các vướng mắc đã được giải quyết, nhu cầu thuốc, vật tư, sinh phẩm đã được đáp ứng. Người nhà bệnh nhân khẳng định không phải mua thuốc ngoài bệnh viện.
Thủ tướng đề nghị Bệnh viện tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất để đáp ứng đầy đủ thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế cho người dân, tránh tình trạng người dân cần mà không có, có tiền mà không mua được; cố gắng bảo đảm cả các loại thuốc hiếm cho người bệnh. Đồng thời, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là việc hội chẩn trực tuyến từ xa với các bệnh viện Trung ương, trong điều kiện tỉnh cách xa các trung tâm y tế lớn, hiện đại.
Thủ tướng đề nghị tiếp tục cải tạo, chỉnh trang Bệnh viện, bố trí các khoa, phòng bảo đảm khoa học, hợp lý hơn, chú ý hơn nữa vấn đề vệ sinh môi trường; tập trung nguồn vốn để hoàn thành dứt điểm các công trình mới đang được xây dựng; đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Cùng với học kiến thức, phải phát huy đoàn kết, giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ tới thăm Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên. Được thành lập năm 1956, qua hơn 66 năm xây dựng và trưởng thành, Trường trở thành điểm sáng của giáo dục dân tộc, phát huy danh hiệu lá cờ đầu của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên; được Đảng, Nhà nước và tỉnh Điện Biên tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý.
Hiện nay nhà trường có 17 lớp với 600 học sinh thuộc 17 dân tộc của tỉnh Điện Biên. Hàng năm, tỷ lệ học sinh có học lực Khá, Giỏi chiếm trên 80%; học sinh có hạnh kiểm Khá, Tốt chiếm trên 98%; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông luôn đạt 100%.
Trong sự đón tiếp nồng nhiệt của thầy và trò nhà trường, Thủ tướng Phạm Minh Chính ân cần thăm hỏi điều kiện sinh hoạt, việc học tập của các em học sinh, kiểm tra trường lớp, khu bán trú, khu sinh hoạt… của nhà trường và nắm bắt tình hình thực tế về chính sách giáo dục đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số cũng như tâm tư, tình cảm của thầy và trò nhà trường.
Trò chuyện với thầy và trò Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên, Thủ tướng đánh giá cao, ghi nhận, biểu dương tinh thần học tập, giảng dạy của các thầy cô giáo, các em học sinh, đã rất cố gắng vượt qua khó khăn, nỗ lực mỗi ngày để dạy tốt và học tốt.
Thủ tướng Chính phủ cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách... Trong đó, cũng như hệ thống các trường Phổ thông dân tộc thiểu số trong cả nước, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên có vai trò thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn cán bộ và nhân lực có trình độ để đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng của tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung...
Thủ tướng mong muốn thầy và trò nhà trường tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt; tổ chức các hoạt động ngoại khóa, rèn luyện thể chất, thể thao, văn hóa, nghệ thuật để giúp các em học sinh phát triển toàn diện "đức, trí, thể, mỹ." Các em học sinh phải luôn đùm bọc, giúp đỡ nhau, phát huy tinh thần đại đoàn kết, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, cùng nhau lập thân, lập nghiệp, vì tương lai của bản thân, gia đình, xã hội và vì đất nước.
Tại đây, Thủ tướng Chính phủ đã trao quà và học bổng cho 100 học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên có thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện, vượt qua hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Chăm sóc trẻ em bằng cả trái tim, sự chân thành, hành động cụ thể
Nhân dịp này, tại Nhà văn hóa tỉnh Điện Biên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao học bổng tặng 300 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên; đồng thời chứng kiến lễ trao 200 xe đạp từ “Quỹ xe đạp chở ước mơ” tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Điện Biên.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính xúc động chia sẻ, Điện Biên là mảnh đất anh hùng, giàu truyền thống lịch sử cách mạng, với Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu. Tuy nhiên tỉnh cũng còn nhiều khó khăn, trong đó nhiều trẻ em còn khó khăn, thiệt thòi, cần được bù đắp của toàn xã hội bằng cả trái tim, sự chân thành, hành động cụ thể.
Thủ tướng nhấn mạnh, trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là mối quan tâm lớn của xã hội và là tương lai của đất nước. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt, tình thương yêu sâu sắc cho các cháu thiếu niên, nhi đồng. Thực hiện lời dạy của Bác, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm, được coi là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu để bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của đất nước.
Nhiều chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được ban hành từ rất sớm và không ngừng được hoàn thiện. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai nhiều chính sách, chương trình, đề án về công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực thực hiện cùng sự vào cuộc của các tổ chức xã hội, đoàn thể và người dân, các nhà hảo tâm. Nhờ đó, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho trẻ em đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Bên cạnh đó, Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em vẫn còn những tồn tại, khó khăn, thách thức. Cả nước vẫn còn khoảng 1,7 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; vẫn còn các cháu thiếu nhi có cuộc sống khó khăn; vẫn có nguy cơ cao trẻ bị xâm hại về cả thể chất lẫn tinh thần. Một bộ phận trẻ em thiếu về dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc chu đáo của người lớn. Tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, trầm cảm... vẫn diễn ra. Tỷ lệ tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, một số tập tục lạc hậu còn chưa được xóa bỏ, ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi và sự phát triển toàn diện của trẻ em...
Thủ tướng đề nghị mỗi gia đình hãy tạo ra môi trường sống hạnh phúc, an toàn, tránh gây áp lực cho con trẻ, để trẻ không phải chịu bất hạnh trong chính ngôi nhà của mình. Nhà trường hãy tạo không khí để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, tránh gây áp lực học hành cho học sinh. Cộng đồng, xã hội “hãy trách nhiệm, yêu thương với trẻ em”, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm để đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần.
“Chúng ta phải cùng nhau quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần của trẻ em. Hành động vì trẻ em bằng trách nhiệm và tấm lòng nhân ái; đồng thời, lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm các hành động sai trái với trẻ em,” Thủ tướng chỉ rõ.
Thủ tướng bày tỏ kỳ vọng và tin tưởng, với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội, với chính sự quyết tâm, cố gắng của bản thân, trẻ em Việt Nam nói chung và các cháu của Điện Biên nói riêng sẽ tiếp bước cha anh, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện tốt để luôn là những người con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ; mai sau trở thành những công dân có ích cho xã hội, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước./.
Theo Phạm Tiếp (TTXVN/Vietnam)