Chương trình là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ sự kiện Lễ hội cá tra lần thứ 1 năm 2022 lần đầu tiên được tổ chức tại Đồng Tháp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam phối hợp cùng UBND Tỉnh Đồng Tháp tổ chức.
Năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, Việt Nam phải đối mặt với hàng loạt khó khăn do sự bùng nổ của đại dịch Covid 19 khi tỷ lệ dân số mắc bệnh tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và sự đứt gãy chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu. Mặt hàng cá tra cũng bị ảnh hưởng, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn trong gần 2 năm của đại dịch, nhưng với nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới từ cạnh tranh giá sang cạnh tranh bằng chất lượng, ngành hàng cá tra đã từng bước gặt hái được nhiều thành công, tăng trưởng vượt bậc trong năm 2022.
Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2022 ngành hàng cá tra đã vượt qua những khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và đã nhanh chóng tận dụng cơ hội về nhu cầu thị trường sau đại dịch để tổ chức sản xuất và xuất khẩu, góp phần quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành thủy sản. Kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước năm 2022 dự kiến vượt 11 tỷ USD, tăng trưởng 25% so với cùng kỳ năm 2021 và cao nhất từ trước đến nay. Ước tính cả năm, diện tích thả nuôi cá tra cả nước đạt khoảng 5.500ha ( bằng 104% so với cùng kỳ năm 2021); sản lượng cá tra đạt khoảng 1.6 triệu tấn ( bằng103,5% so với cùng kỳ năm 2021); kim ngạch xuất khẩu cá tra dự kiến đạt 2,4 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2021, vượt qua đỉnh năm 2018 là 2,26 tỷ USD.
Nói về ngành hàng cá tra tại tỉnh Đồng Tháp, ông Huỳnh Minh Tuấn - Phó Chủ Tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã chia sẻ : “Đồng Tháp là tỉnh sản xuất cá tra lớn nhất ĐBSCL, chiếm trên 33% diện tích và 34,8% sản lượng cá tra toàn vùng, với tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản (cá tra) của Đồng Tháp so với cả nước chiếm khoảng gần 40%; cung cấp hàng năm khoảng 60% sản lượng cá giống cho vùng ĐBSCL và cá tra hiện là một trong 05 ngành hàng chủ lực của tỉnh để thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, triển khai xây dựng nhiều mô hình chuỗi trong sản xuất và xuất khẩu cá tra đã mang lại những kết quả đáng khích lệ…Tính đến tháng 11/2022, diện tích luỹ kế nuôi cá tra ước đạt 2.450 ha, đạt 111,3% so với kế hoạch, tăng 17,3% so cùng kỳ, với sản lượng thu hoạch 505.000 tấn; xuất khẩu ước đạt 270.077 tấn, kim ngạch ước đạt 847 triệu USD, tăng 31% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021 và đứng đầu trong nhóm hàng nông sản xuất khẩu của tỉnh”.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp hiện có 28 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến thuỷ sản (chủ yếu là chế biến cá tra fillet đông lạnh xuất khẩu), với tổng công suất thiết kế khoảng hơn trên 500.000 tấn/năm, thu hút hơn 25.000 lao động.
Đối với tình hình thực hiện Chương trình giám sát quốc gia và quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm cá tra, ông Lê Bá Anh - Phó Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cho biết, cả nước hiện có 207 cơ sở chế biến cá tra được thẩm định, chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm ATTP và có tên trong danh sách được phép xuất khẩu vào các quốc gia, vùng lãnh thổ như : EU, Trung Quốc, Hàn Quốc… Trong năm 2022, đã thẩm định, cấp chứng thư cho cá tra xuất khẩu vào 30 quốc gia, vùng lãnh thổ mà cơ quan thẩm quyền có yêu cầu, cấp 20 giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho cá tra, sản phẩm cá tra của các DN. Ông cũng cảnh báo năm 2022 có 38 lô hàng bị phát hiện vi phạm ATTP tại các thị trường nhập khẩu (tăng 65% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, có 01 lô, bị cảnh báo chỉ tiêu hóa chất kháng sinh (Malachite Green), 37 lô bị cảnh báo chỉ tiêu vi sinh (TPC, Coliforms, E.Coli).
Cũng tại Hội nghị lần này, đại diện Hiệp hội cá tra Việt Nam, ông Trần Thanh Phong - Phó Tổng thư ký có đề xuất một số kiến nghị trong nuôi cá tra là “ cần phải chủ động ứng dụng các công nghệ kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất nhằm giúp cải thiện năng suất, tính hiệu quả mô hình nuôi, áp dụng các giải pháp công nghệ về cơ giới hóa trong nuôi cá tra. Ứng dụng các giải pháp IoT trong kiểm soát môi trường tự động trong ao nuôi cá tra thâm canh, nhằm giám sát chất lượng môi trường nước là giải pháp quan trọng để nâng cao năng suất, đồng thời hạ giá thành sản phẩm, sử dụng công nghệ thân thiện môi trường nhằm tăng sức cạnh tranh. Có cơ chế chính sách hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống, nuôi thương phẩm trong tình hình lãi suất vốn vay tăng cao như hiện nay. Nghiên cứu giải pháp tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường ao nuôi cá tra thâm canh tại các vùng nuôi cá tra ĐBSCL: Xây dựng được hệ thống thu gom và quy trình công nghệ xử lý nước thải ao nuôi cá tra theo hướng tái sử dụng phục vụ cho vùng nuôi; Phát triển được hệ thống tự động hóa thu gom và tách bùn đáy ao phù hợp với các địa hình của từng khu vực nuôi; Xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình xử lý bùn ao nuôi cá tra để sản xuất phân bón hữu cơ có sự tham gia của doanh nghiệp….”
Các đại biểu tại Hội nghị đã có cái nhìn khả quan hơn về ngành hàng cá tra thông qua những hình thức và cách tiếp cận kinh doanh khác so với cách kinh doanh truyền thống mà ngành hàng đã từng làm trong suốt 20 năm qua như: sản phẩm thay đổi theo hướng chuyển sang tiện lợi hơn, bổ dưỡng hơn; hành vi tiêu dùng thay đổi - bán hàng qua các kênh bán lẻ, sàn giao dịch online sẽ phát triển thay vì mua sắm tại siêu thị, mua thực phẩm ở cửa hàng ăn nhanh; ứng dụng công nghệ 4.0 vào kinh doanh trực tuyến sẽ giúp các doanh nghiệp có cơ hội bán trực tiếp, maketing trực tiếp hoặc tương tác với khách hàng nhiều hơn.
Bên cạnh những thuận lợi thì ngành hàng vẫn còn gặp không ít khó khăn do những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết bất lợi đã làm một số bệnh trên thủy sản nuôi xuất hiện thường xuyên và khó điều trị, gây thiệt hại cho người ươm nuôi; giá thành sản xuất tăng ( chủ yếu do gía thức ăn thủy sản liên tục tăng) đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất của người nuôi, chi phí logistics tăng. Bên cạnh đó, các thị trường Châu Âu, Châu Á, Nhật Bản và nhất là thị trường Trung Quốc liên tục tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn về kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, đồng thời, kiểm soát chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh ATTP đối với mặt hàng nông sản, hoa quả, trái cây, thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu tập trung bố trí nguồn lực để chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm các quy định về ATTP, giấy chứng nhận cam kết ATTP đối với cơ sở nuôi cá tra. Thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm minh đối với các đơn vị vi phạm ATTP. Đặc biệt là khẩn trương xây dựng đàn cá bố mẹ theo hướng tăng trưởng và kháng bệnh cho các trại sản xuất giống… Kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở nuôi cá tra nhỏ lẻ…
Uyển Nhi - Bích Liên