Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp ở Yên Lập (Phú Thọ)

07:35 03/10/2022

Thời gian qua, huyện Yên lập (tỉnh Phú Thọ) đã tích cực thu hút các đơn vị, doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển các cụm công nghiệp (CCN), giải quyết việc làm cho người lao động, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Công nhân làm việc tại công ty TNHH dệt may Thygesen, CCN thị trấn Yên Lập.
Công nhân làm việc tại công ty TNHH dệt may Thygesen, CCN thị trấn Yên Lập. 

Nhờ có sự đồng thuận của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân, trên địa bàn huyện đã hình thành CCN thị trấn Yên Lập, CCN Lương Sơn và đang giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Đồng Lạc, tạo sự bứt phá điểm nhấn trong bức tranh CN-TTCN của huyện Yên Lập.

CCN thị trấn Yên Lập có tổng diện tích đất được UBND tỉnh giao 28,56ha. Đến nay, UBND huyện đã đồng ý cho 9 nhà đầu tư thuê 22,67ha, tỉ lệ lấp đầy đạt gần 75%. Trong đó có năm nhà máy của năm doanh nghiệp đi vào hoạt động gồm: Nhà máy may số 6 (Công ty CP may Sông Hồng), Công ty TNHH dệt may Thygensen, Công ty TNHH Mirae Soongwon Vina, Công ty TNHH sản xuất và xuất nhập khẩu Hùng Dương, Công ty TNHH INTROTOP, tạo việc làm ổn định cho gần 1.200 lao động, thu nhập bình quân 6,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Kim Chayn Kuy- Phó Giám đốc Công ty TNHH Mirae Soongwon Vina (Công ty 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất vải bạt xuất khẩu) chia sẻ: “Nhận thấy nơi đây nguồn lao động dồi dào, giá thuê đất hợp lý, thuế được ưu tiên, thủ tục nhanh gọn nên chúng tôi quyết định đầu tư sản xuất, kinh doanh. Được huyện tạo điều kiện nên chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi đã được bàn giao mặt bằng sạch để đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc, trang thiết bị để sản xuất. Đến nay, công ty đã đi vào hoạt động chính thức, giải quyết việc làm thường xuyên cho 200 lao động, mức thu nhập bình quân trên 6,5 triệu đồng/người/tháng”.

Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, các doanh nghiệp tại CCN thị trấn Yên lập sẽ tạo việc làm cho trên 1.700 lao động với thu nhập bình quân từ 6-8 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với đó, tại CCN-TTCN Lương Sơn có diện tích đất được UBND tỉnh giao 40ha. Đến nay, CCN đã có năm nhà đầu tư thuê 5,8ha đầu tư xây dựng nhà máy. Trong số đó, Công ty CP nông nghiệp An Tâm đang hoạt động, Công ty TNHH xây dựng và vận tải Châu Dương đang xây dựng nhà xưởng. Có hai đơn vị đang tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật là Công ty TNHH sản xuất bao bì Tâm Tâm và Công ty TNHH sản xuất bao bì Anh Minh. Dự kiến sau khi các doanh nghiệp đi vào hoạt động sẽ tạo việc làm cho trên 300 lao động, lương bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng.

Cũng trên địa bàn huyện Yên Lập, CCN Đồng Lạc (được thành lập theo Quyết định số 1366/QĐ-UBND ngày 16/6/2021 của UBND tỉnh) đang được UBND huyện giao cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện phối hợp với chủ đầu tư (Công ty CP Tập đoàn Cát Vàng) triển khai các thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là công khai quy hoạch, cơ chế, chính sách về phát triển CN. Công tác cải cách thủ tục hành chính đã được huyện đặc biệt chú trọng nhằm tạo mọi điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp khi thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn.

Ông Nguyễn Tám Ba - Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp và công trình công cộng huyện Yên Lập cho biết: “Để thu hút đầu tư vào các CCN, huyện tiếp tục tranh thủ nguồn hỗ trợ của Trung ương, vốn ngân sách địa phương và vốn huy động doanh nghiệp để giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật. Huyện lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực, đồng thời tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư thông thoáng, chú trọng phối hợp công tác đào tạo nghề, đáp ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn”.

P.V