Thống đốc NHNN: Liên quan đến can thiệp sớm và xử lý ngân hàng yếu kém là vấn đề khó nhất

23:45 09/05/2023

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, liên quan đến can thiệp sớm và xử lý ngân hàng yếu kém là vấn đề khó nhất và đau đầu nhất khi sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng.

Chiều 9/5 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Dự thảo luật dành chương VIII quy định về "Can thiệp sớm tổ chức tín dụng" gồm 16 điều quy định biện pháp can thiệp sớm trong trường hợp tổ chức tín dụng (TCTD) bị rút tiền hàng loạt; phương án khắc phục của TCTD được can thiệp sớm; phương án sáp nhập, hợp nhất, giải thể của các TCTD thuộc diện này.

Theo đó, dự thảo bổ sung thẩm quyền của Ngân hàng nhà nước tại giai đoạn can thiệp sớm trong việc hạn chế quyền quyết định trong hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành hoặc đình chỉ người quản lý, người điều hành của TCTD có hành vi vi phạm pháp luật tùy theo  mức độ vi phạm của người quản lý, người điều hành.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Khác với Luật hiện hành, dự thảo Luật cho phép sử dụng cho vay đặc biệt ngay từ bước can thiệp sớm, đồng thời mở rộng thêm một số khái niệm như cho vay không có tài sản bảo đảm, chỉ định cho vay đặc biệt; ấn định lãi suất cho vay đặc biệt là 0%/năm và cơ chế hỗ trợ cho TCTD cho vay đặc biệt.

Đây là những nội dung khiến Uỷ ban Kinh tế còn nhiều lo ngại khi thẩm tra sơ bộ, cũng là lo ngại của nhiều ý kiến tại phiên thảo luận.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, liên quan đến can thiệp sớm và xử lý ngân hàng yếu kém là vấn đề khó nhất và đau đầu nhất, quy định như thế nào để có thể phát hiện, xử lý được vấn đề từ sớm, từ xa.

“Trong dự thảo luật chúng tôi cũng căn cứ vào những thực tiễn của ngân hàng, ví dụ như vụ việc của SCB, những vụ mới phát sinh của mấy ngân hàng của Mỹ. Qua đây cũng thấy được rõ ràng không phải một ngân hàng lỗ hay một ngân hàng yếu kém mới xảy ra rút tiền hàng loạt, với Mỹ thì xảy ra với các ngân hàng đang rất lành mạnh, thậm chí là được xếp hạng tín dụng rất cao, nhưng có những biến cố đột xuất, lãi suất tăng lên và rủi ro thị trường thì cũng gây ra rút tiền hàng loạt”, bà Hồng giải thích.

Chính vì như thế, theo Thống đốc, nếu quy định như luật cũ để khi kiểm soát đặc biệt mới cho vay đặc biệt thì không thể xử lý được những vấn đề phát sinh.

Thống đốc cho biết, sẽ tiếp tục rà soát để các giải pháp thiết kế ra là để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, không phải các giải pháp thiết kế ra để cứu các cổ đông hoặc là các ngân hàng đó.

Phát biểu kết luận, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát kỹ các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng, bảo đảm phù hợp, khả thi, hiệu quả. Đánh giá toàn diện về cho vay đặc biệt cần xin ý kiến cấp trên hay không, cấp nào cần phải thể hiện rõ. Làm rõ cơ sở và sự cần thiết của việc cho vay đặc biệt, không có tài sản đảm bảo và làm rõ trách nhiệm thu hồi khoản vay đặc biệt của cơ quan quản lý, các chủ thể cho vay và các bên có liên quan.

T.H