Tại thế giới ảo Decentraland, một nền tảng 3D phi tập trung được cung cấp bởi chuỗi khối Ethereum, người dùng có thể tự may và bán quần áo của riêng mình để làm hình đại diện trên trang web. Anh chàng Hiroto Kai đã thức cả đêm để thiết kế các sản phẩm may mặc lấy cảm hứng từ Nhật Bản. Bán mỗi chiếc kimono với giá khoảng 140 đô la, anh cho biết mình đã kiếm được 15 nghìn đến 20 nghìn đô chỉ trong ba tuần.
Đại dịch đã khiến mọi hoạt động ngưng trệ, bao gồm cả gặp gỡ và chi tiêu trực tiếp. Do đó, xu hướng hiện này là tài sản ảo tạo ra doanh số thực trong “metaverse”, một môi trường trực tuyến nơi mọi người có thể tụ tập và chơi trò chơi.
Một nghệ sĩ kỹ thuật số khác, Noah, 23 tuổi sống ở New Hampshire chia sẻ số tiền kiếm được trên mạng trong thời gian ngắn bằng tiền lương một năm làm việc ở cửa hàng, người này sau đó đã nghỉ việc để trở thành một nhà thiết kế toàn thời gian. Còn với Kai: “Đó là một cách mới để thể hiện bản thân... Nhân vật của bạn trong thế giới ảo được mặc các trang phục đặc biệt và trở thành biểu tượng mới”.
Ở Decentraland, quần áo cho hình đại diện có thể được mua và bán trên blockchain dưới dạng tài sản tiền điện tử được gọi là mã thông báo không thể thay thế (NFT). Chẳng hạn như bộ kimono của Kai bao gồm những miếng nhung xanh được nghiền nhỏ tinh xảo với trang trí họa tiết rồng vàng.
NFTs đã bùng nổ phổ biến vào đầu năm nay, khi các nhà đầu cơ và những người đam mê tiền điện tử đổ xô mua loại tài sản mới, đại diện cho quyền sở hữu các mặt hàng chỉ giao dịch trực tuyến như nghệ thuật kỹ thuật số hay bất động sản.
Các tài sản tiền điện tử khác cũng đang thu hút sự chú ý của một số công ty thời trang lớn nhất thế giới mong muốn kết hợp thương hiệu với thế hệ game thủ mới. Louis Vuitton thuộc sở hữu của LVMH đã tung ra một trò chơi metaverse nơi người chơi có thể thu thập NFT và Burberry đã tạo ra các phụ kiện NFT có thương hiệu cho Blankos Block Party, một trò chơi thuộc sở hữu của Mythical Games. Gucci đã bán quần áo cho hình đại diện trong trò chơi Roblox.
Imani McEwan, một người mẫu thời trang ở Miami và một người đam mê NFT cho biết: “Avatar đại diện cho bạn. Về cơ bản những gì nhân vật ảo đang mặc là thứ tạo nên con người của bạn”.
McEwan cho biết anh đã chi 15.000 đến 16.000 đô la cho 70 mặt hàng trang phục như trên kể từ tháng 1 trong đó sử dụng lợi nhuận từ các khoản đầu tư tiền điện tử. Lần đầu tiên anh mua một chiếc áo len có chủ đề bitcoin và gần đây nhất là một chiếc mũ nồi len do bạn anh thiết kế.
Theo NonFungible.com, một trang web theo dõi thị trường NFT, riêng tại Decentraland, doanh số bán trang phục ảo đạt tổng cộng 750.000 đô la trong nửa đầu năm 2021, tăng từ 267.000 đô la trong cùng kỳ năm ngoái. Một số người ủng hộ cho rằng xu hướng này có thể là tương lai của ngành bán lẻ.
Giám đốc của Republic Realm, một phương tiện đầu tư bất động sản ảo trị giá 10 triệu đô la đã xây dựng một trung tâm mua sắm ở Decentraland cho biết: Thay vì dùng nguồn cấp dữ liệu và mua sắm trực tuyến, bạn có thể trải nghiệm phong phú các thương hiệu trong không gian ảo, dù đó là mua trang phục cho hình đại diện trực tuyến hay sản phẩm có thực có thể được vận chuyển đến tận nhà”.
Paula Sello và Alissa Aulbekova, những người đồng sáng lập công ty khởi nghiệp thời trang kỹ thuật số Auroboros cho biết đây có thể là một sự thay thế thân thiện với môi trường cho thời trang nhanh. Khách hàng có thể gửi cho Auroboros một hình ảnh của chính họ và các mẫu quần áo kỹ thuật số với giá từ 60 bảng Anh (83 đô la) đến 1.000 bảng Anh. Sello lập luận rằng khái niệm may mặc ảo có thể hạn chế sự lãng phí của người tiêu dùng khi mua quần áo trên mạng xã hội. Trích dẫn một nghiên cứu của Barclaycard năm 2018 cho thấy 9% người mua sắm ở Anh đã mua quần áo chỉ để chpj ảnh đăng mạng xã hội sau đó trả hàng lấy lại tiền. Sello cho hay: “Chúng ta cần phải có sự thay đổi trong lĩnh vực thời trang. Ngành công nghiệp này đơn giản là không thể tiếp tục nếu không đổi mới”.
Công ty giày thể thao ảo RTFKT bán NFT phiên bản giới hạn trên phương tiện truyền thông xã hội thông qua bộ lọc Snapchat. Steven Vasilev, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành của RTFKT cho biết: “Phương thức mới thực sự thành công khi Covid-19 hoành hành và số người truy cập trực tuyến nhiều hơn trước”. Công ty đã đạt doanh thu 7 triệu đô la bằng cách kinh doanh những đôi giày thể thao phiên bản giới hạn được bán trong các cuộc đấu giá với giá từ 10.000 đến 60.000 đô la. Phần lớn khách hàng ở độ tuổi 20 và 30, một số khác còn rất trẻ chỉ mới 15 tuổi.
TL