![]() |
Sắp kết thúc kỷ nguyên iPhone “Made in China” cho thị trường Mỹ |
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang và chuỗi cung ứng toàn cầu ngày càng dễ tổn thương trước các biến động chính trị, Apple đang có bước đi chiến lược mang tính bước ngoặt: chuyển phần lớn hoạt động sản xuất iPhone cho thị trường Mỹ sang Ấn Độ, bắt đầu từ năm 2026.
Theo nguồn tin từ Financial Times và các báo cáo nội bộ, kế hoạch của Apple nhằm mục tiêu “né” mức thuế nhập khẩu cao do chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu. Cụ thể, các thiết bị iPhone bán tại Mỹ – chiếm khoảng 28% trong tổng số 232,1 triệu chiếc iPhone bán ra toàn cầu vào năm 2024, theo IDC – sẽ được lắp ráp tại Ấn Độ thay vì Trung Quốc như trước đây.
Đây là sự thay đổi lớn sau gần hai thập kỷ Apple phụ thuộc vào hệ thống sản xuất quy mô lớn tại Trung Quốc - nơi từng giúp hãng vươn lên thành công ty công nghệ đầu tiên đạt mốc giá trị 3.000 tỷ USD. Tuy nhiên, chính sách thuế “có đi có lại” mà ông Trump đưa ra, với mức thuế có thể lên đến 145% đối với hàng hóa Trung Quốc, đã làm dấy lên lo ngại về chi phí gia tăng và rủi ro địa chính trị, buộc Apple phải hành động quyết liệt.
Để hiện thực hóa tham vọng này, Apple yêu cầu các đối tác sản xuất tại Ấn Độ như Foxconn và Tata Electronics tăng gần gấp đôi sản lượng iPhone. Hiện tại, Ấn Độ mới chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng iPhone toàn cầu, nhưng Apple đặt mục tiêu đến năm 2026 sẽ sản xuất toàn bộ hơn 60 triệu iPhone bán tại thị trường Mỹ mỗi năm từ quốc gia Nam Á này.
Trong 12 tháng tính đến tháng 3/2025, Apple đã xuất khẩu lượng iPhone trị giá khoảng 1.500 tỷ rupee (tương đương 17,5 tỷ USD) từ Ấn Độ – tăng gần 60% so với năm trước. Thậm chí, các mẫu iPhone cao cấp như dòng Pro vỏ titanium cũng đã được lắp ráp tại đây, cho thấy năng lực sản xuất của Ấn Độ đang dần bắt kịp các tiêu chuẩn khắt khe mà Apple đặt ra.
Việc chuyển dịch sản xuất khỏi Trung Quốc cũng được thúc đẩy từ "cú sốc" trong đại dịch Covid-19, khi nhà máy lớn nhất của Apple tại Trung Quốc buộc phải đóng cửa do các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, làm gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng vào thời điểm nhạy cảm.
Không chỉ giúp Apple giảm thiểu tác động từ chính sách thuế khắc nghiệt, động thái này còn giúp hãng xây dựng một hệ sinh thái sản xuất đa quốc gia, linh hoạt và ít bị phụ thuộc vào một quốc gia duy nhất.
Ấn Độ, với dân số đông, lực lượng lao động trẻ và chính sách ưu đãi sản xuất, đang nổi lên như một “cứu cánh” cho Apple trong việc duy trì nguồn cung ổn định cho thị trường quê nhà.
Mặc dù việc chuyển đổi quy mô lớn như vậy không hề dễ dàng – đòi hỏi đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực và tinh chỉnh hệ thống chuỗi cung ứng – nhưng Apple đang cho thấy quyết tâm cao độ trong việc thích nghi với môi trường kinh doanh đầy biến động.
Kỷ nguyên của những chiếc iPhone “Made in China” dành cho người tiêu dùng Mỹ có thể đang dần khép lại. Thay vào đó, một kỷ nguyên mới – iPhone “Made in India” – đang hình thành, phản ánh rõ nét chiến lược xoay trục sản xuất và thích ứng linh hoạt với mọi biến động kinh tế thế giới.