Thị trường nhóm nông sản 7/2: Lúa mì, ngô và đậu tương tiếp đà tăng |
Giá lúa mì tương lai trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) chốt phiên với mức tăng đáng kể khi các quỹ đầu tư tất toán lệnh bán khống sau khi giá chạm mức cao nhất kể từ tháng 10. Bên cạnh đó, thời tiết lạnh giá đe dọa mùa màng tại khu vực Biển Đen, nơi Nga và Ukraine là hai nhà xuất khẩu lớn cũng góp phần đẩy giá lên cao.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo doanh số xuất khẩu lúa mì tuần kết thúc ngày 30/1 đạt 438.900 tấn, phù hợp với kỳ vọng thị trường (200.000 – 550.000 tấn). Kết thúc phiên, lúa mì đỏ mềm mùa đông giao tháng 3 (WH25) tăng 15,05 cent lên 5,8775 USD/giạ. Hợp đồng lúa mì đỏ cứng mùa đông (KWH25) tăng 15,75 cent lên 6,0705 USD/giạ, trong khi lúa mì xuân Minneapolis (MWEH25) tăng 10 cent lên 6,2805 USD/giạ.
Giá ngô CBOT nhích nhẹ khi thị trường phản ứng tích cực trước thông tin Mỹ tạm dừng kế hoạch áp thuế đối với Canada và Mexico. Đồng thời, các biện pháp trả đũa có giới hạn từ Trung Quốc, không nhắm vào nông sản, giúp hạn chế rủi ro thương mại.
Tình trạng hạn hán kéo dài tại Argentina, quốc gia xuất khẩu ngô lớn thứ ba thế giới tiếp tục là mối lo ngại, dù một số khu vực trung tâm vừa đón lượng mưa đáng kể. Theo USDA, doanh số xuất khẩu ngô Mỹ tuần qua đạt 1.477.200 tấn, gần chạm mức ước tính cao nhất (850.000 – 1.500.000 tấn).
Đáng chú ý, Mexico đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu ngô biến đổi gen phục vụ cho thực phẩm, chăn nuôi và công nghiệp sau phán quyết có lợi cho Mỹ trong tranh chấp thương mại khu vực. Kết phiên, ngô giao tháng 3 (CH25) tăng 2 cent lên 4,9525 USD/giạ.
Giá đậu tương cũng có phiên tăng nhẹ do lo ngại khô hạn ảnh hưởng đến sản lượng tại Argentina. Theo dự báo từ Maxar, khoảng 60% diện tích trồng đậu tương tại nước này vẫn trong tình trạng thiếu nước, dù một số khu vực vừa đón mưa. Argentina hiện là nhà xuất khẩu bột và dầu đậu nành lớn nhất thế giới, đồng thời cạnh tranh trực tiếp với Mỹ trên thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, giới phân tích kỳ vọng Trung Quốc, nhà nhập khẩu đậu tương hàng đầu có thể gia tăng mua hàng từ Mỹ trong bối cảnh đàm phán thương mại giữa hai nước diễn ra. Tuy nhiên, Mỹ vẫn chịu sức ép cạnh tranh từ nguồn cung dồi dào của Brazil, nhà xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới. Theo USDA, doanh số xuất khẩu đậu tương Mỹ tuần qua đạt 387.700 tấn, nằm trong khoảng dự báo 300.000 – 1.100.000 tấn.
Kết thúc phiên, hợp đồng đậu tương tháng 3 (SH25) tăng 3,05 cent lên 10,6005 USD/giạ. Trái lại, giá bột đậu nành giảm 1,90 USD xuống 306,40 USD/tấn ngắn, trong khi dầu đậu nành tăng 0,31 cent lên 45,40 cent/pound.